Đầu năm nói về những mê tín dị đoan
Những đoạn dưới đây được trích cuốn “Đường về xứ Phật” và cuốn “Người Phật tử cần biết” nói về những mê tín dị đoan dưới hình thức vấn đáp, Tự hiểu mình's Blog xin được trích đăng:
ÔNG TÁO
Hỏi: Kính bạch Thầy, sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng các việc làm ác, thiện của gia chủ. Như vậy có không, xin Thầy chỉ dạy? Có người còn bảo, năm nào mà không mua mũ cho ông Táo thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người đừng làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm, rồi Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa và người làm ác sẽ chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia, áo mão của ông Táo giống như mũ hia, áo mão của một vị quan phong kiến. Ông Táo không có thật, mà chỉ là một tưởng tri của loài người, để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác.
Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục, đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo, để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không có gieo tai họa. Câu chuyện biến dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, phi đạo đức (hối lộ mũ hia, giày, quần áo, cá chép, cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).
Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chớ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông”, bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc, cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời.
Phật giáo Đại thừa cũng chịu ảnh hưởng, nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư thiên về chầu trời. “Dân gian thì đưa Táo quân, Phật giáo thì đưa chư Thiên về trời”!
Qua câu chuyện ông Táo đã chỉ cho chúng ta thấy được Phật giáo Đại thừa có trí tuệ hay không trí tuệ, điều này chắc ai cũng rõ. Câu chuyện mê tín dân gian Phật giáo Đại thừa lại biến thành mê tín Phật giáo. Bởi vậy Phật giáo Đại thừa có đáng cho chúng ta đủ niềm tin chăng? Phật giáo Đại thừa đi đến đâu cũng viên dung và viên thông, lấy tất cả các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của con người làm giáo pháp của mình. Cho nên, giáo pháp Đại thừa là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác, chỉ cần thay danh từ là biến thành giáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo quân thì Đại thừa biến danh từ Táo quân thành danh từ chư Thiên.
Nếu các nhà nghiên cứu Đại thừa giáo xét kỹ, đừng kẹt trong danh từ thì thấy rất rõ giáo pháp đó chính là bã mía của các tôn giáo khác. Đó là đứng về nội dung, còn đứng về hình thức thì Đại thừa giáo không có gì đặc biệt, chỉ giống như chiếc áo nhiều mảnh vải kết lại mà thành.
MỜI ÔNG BÀ ĐÃ CHẾT VỀ ĂN TẾT
Hỏi: Kính bạch Thầy, hằng năm cứ đến ngày giỗ và sắp đến ngày Tết, người còn sống ra mồ mả mời ông bà cha mẹ đã chết hàng 60, 70 năm nay về ăn Tết với con cháu, như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Câu hỏi này có hai cách trả lời để xác định:
1- Mê tín
2- Chánh tín
Câu hỏi này mê tín như thế nào?
Như trong các kinh Đại thừa dạy, người chết còn thần thức nên nghiệp dẫn thần thức đi luân hồi. Đó là hiện tượng thế giới siêu hình của tưởng tri Đại thừa. Nếu còn có thần thức đi luân hồi tái sanh, thì đến ngày Tết, ngày giỗ ra mộ mời những người như ông bà cha mẹ đã chết về ăn Tết với con cháu. Đó là mê tín. Đạo Phật dạy:
“Con người do các duyên hợp lại mà thành”. Như kinh Ngũ Uẩn đã dạy, thân người gồm có 5 duyên là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi một người chết thì năm duyên này đều tan rã sạch, không còn một chút xíu nào còn lại. Cái còn lại đi tái sanh luân hồi là nghiệp. Nghiệp là hành động thiện, ác của con người hằng ngày huân tập mà thành. Khi người ấy chết thì cả khối nghiệp ấy đi tái sanh vào một kiếp khác, hoặc người hay vật (tùy hành động thiện hay ác lúc người ấy còn sống). Vậy, sau khi tắt hơi thì con người chẳng còn gì cả, làm sao mà về ăn Tết với con cháu? Vì thế mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu là mê tín, không đúng chánh tín của đạo Phật.
Đại thừa cho người chết còn có thần thức, nên có cầu siêu, làm tuần thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giáp năm, ba năm, v.v... Đó là lối mê tín, trong khi đức Phật xác định không có thế giới siêu hình.
Mê tín dân gian cho rằng, nếu người chết là đàn ông có 3 hồn 7 vía (tam hồn thất phách), đàn bà có 3 hồn 9 vía (tam hồn cửu phách). Khi người chết chỉ còn một hồn một vía sống tại mồ mả, còn tất cả các hồn vía khác đều xuống dưới Địa Ngục âm ty để thọ tội, và tiếp tục đi tái sanh luân hồi. Do mê tín này trở thành một tục lệ, đến ngày giỗ, ngày tết, con cháu ra mộ mời ông bà cha mẹ đã quá cố lâu xa về ăn tết với con cháu.
Từ mê tín của Đại thừa đến mê tín của dân gian đều đi ngược lại đường lối của đạo Phật.
Mê tín của Đại thừa là tạo ra nghề nghiệp tụng niệm cầu siêu để kiếm miếng sống như các nghề nghiệp khác. Nhưng nghề tụng niệm cầu siêu là nghề lừa đảo, lường gạt người, lấy hình thức báo hiếu để cho linh hồn ông bà được siêu thoát về miền cực lạc.
Đại thừa là loại mê tín có sách vở, có bài bản, nên khó ai thấy được, vì thế mà mọi người đều sa lưới bẫy của Đại thừa. Nghề này đã trở thành một nghề cắt họng thiên hạ, tụng một ngọ, thỉnh đi một chuyến, gần hay xa đều có giá cả hẳn hòi, không có mặc cả được.
Vậy chánh tín thì làm thế nào? Hằng năm nhớ lại ngày cha mẹ mất, hoặc ngày tư, ngày tết, những người thân trong gia đình vui chơi, nhớ đến công ơn của những người quá cố thì đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương ấy, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của người, thì con cháu tưởng chừng người còn đang ở đâu đây, nên mời người vui chơi Tết, nhất với con cháu. Đó là lòng tưởng nhớ.
CẦU PHÚC, XIN LỘC
Hỏi: Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm không bằng đi ngày rằm tháng giêng”!
Chúng con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa Đại thừa, dùng cầu phúc, cầu lợi để lừa đảo tín đồ Phật giáo, đem phúc, lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát ăn bát vàng, hơn là phúc, lợi cho tín đồ, đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc, ban lộc, mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, lúc nào cũng có phiền não, sân hận, bất toại nguyện, v.v... thì có ích lợi gì? Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om sòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỷ, không hề giúp đỡ người bất hạnh, thì dù có lạy Phật đến sói đầu cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước, ban lộc như vậy không đúng đạo đức công bằng và công lý.
Cầu phúc, cầu lợi bằng cách sống đúng đạo đức nhân quả. Không làm khổ mình, khổ người thì cuộc sống sẽ có phuớc báo đầy đủ. Đó chính là hành động đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng với mọi người.
Cầu phúc, cầu lợi là một việc làm mê tín trừu tượng, ảo mộng, vì chẳng có ai ban phước, ban lộc cho mình, mà chỉ có chính mình làm được những hành động thiện, thân, miệng, ý không làm khổ mình khổ người. Đó sẽ là sự ban phước, ban lộc cho mình cụ thể, thiết thực và rõ ràng.
Đi chùa cầu phước, cầu lộc là việc làm thiếu trí tuệ. Nếu chúng ta làm ác, bỏn xẻn, ích kỷ, thì thử hỏi có ai dám đem phước lộc đến chúng ta chăng?
Phước, lộc không phải tự dưng mà đến với chúng ta. Nó đến với chúng ta bằng tâm niệm tốt của chúng ta, do chúng ta biết thương người, biết giúp đỡ người trong cảnh bất hạnh tai ương, biết ban phúc, ban lộc cho người gặp cảnh khó khăn.
Phước, lộc đến với chúng ta là phải đến với sự công bằng và công lý. Nếu ta làm xấu ác, chẳng giúp người trong cảnh khổ nạn, thì khi chúng ta gặp khổ nạn chẳng bao giờ có phước, lộc đến với chúng ta được. Nếu chúng ta có ban phước, lộc cho người, thì phước, lộc mới đến với chúng ta, chẳng cần cầu khẩn gì cả. Thế nên, đức Phật đứng trong góc độ đạo đức nhân quả mà dạy chúng ta tu hành. Đầu năm đi chùa, lễ bái, cầu phúc, xin lộc chẳng được phước, lộc, mà còn bị kẻ khác lừa đảo, lường gạt, tiền mất tật mang. Đầu năm đi chùa lễ bái cầu phúc, xin lộc để rồi trở thành những tín đồ Phật giáo mê tín dị đoan, lạc hậu, bị người cười chê là người phật tử ngu si, mê muội.
Đầu năm đến chùa xin được đảnh lễ bậc chân tu, giới đức, để học hỏi những đức hạnh của người thì đó là phước, là lộc. Người chân tu hướng dẫn và chỉ dạy cho mình những hành động sống để được phúc, lộc, an vui, thanh thản và hạnh phúc.
Đầu năm đi chùa cầu phúc, xin lộc như vậy mới là chân chánh, vì ích lợi thiết thực cho mình, cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước quê hương.
Tóm lại, đi chùa lễ bái cầu phúc, xin lộc là hành động mê tín, dị đoan, thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, là si mê. Đi chùa lễ bái bậc chân tu xin dạy đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người là chân chánh, không mê tín, lạc hậu. Đó là người cư sĩ đệ tử Phật thông minh và trí tuệ, tìm học những điều phúc, lộc chân chánh, cụ thể, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng.
XÓC THẺ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Đầu năm, nhất là trong những ngày Tết Nguyên Đán, chùa nào cũng có làm một bàn thờ phục vụ cho những người đến xóc thẻ. Trong một mâm đầy những tờ giấy đã được in và giải thích trong thẻ quẻ đó sẵn, theo số thứ tự ai xóc được thẻ số mấy thì đến nhận tờ giải số đó.
Ai xóc được thẻ nói tốt thì vui mừng phấn khởi, còn ai được thẻ nói xấu thì buồn phiền lo âu. Kính thưa Thầy, như vậy trong tờ xem số mệnh có lợi ích gì mà đầu năm người nào cũng xóc thẻ nhất là phụ nữ chúng con. Mong Thầy vì lợi ích giải thích cho chúng con được hiểu.
Đáp: Thường thường theo các chùa cổ ở miền Nam thì có hai nơi xóc thẻ. Một bên xóc thẻ gọi là xóc thẻ xăm Ông và một bên khác gọi là xóc thẻ xăm Bà.
Ông ở đây thường chỉ cho một danh tướng người Trung Hoa, đó là Quan Thánh Đế Quân tức Quan Công hay còn gọi là Quan Vân Trường, (một danh tướng thời Tam quốc bên Trung Quốc), người Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo v.v.. (những danh tướng Việt Nam).
Các Bà thường là những người Việt, Hoa, Chiêm Thành như: Bà Đen (Việt Nam) hay Lê Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Quan Âm (Trung Hoa), Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, (Chiêm Thành), Bà Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Bà Chúa Kho (Việt Nam) v.v..
Thường những nơi bàn thờ của các vị đó đều có ống xóc thẻ. Hằng năm đồng bào mê tín đến cúng bái nhang đèn hoa quả gà, vịt, heo quay, v.v.. với một số tiền rất lớn.
Chùa Phật Quang ở Bến Tre thu lợi rất lớn là nhờ thờ Quan Thánh Đế Quân. Chúng Tăng ở đó không có lo gì cả, ăn ở không chỉ cần giữ mấy ống xóc thẻ là dư sống.
Xóc thẻ là một hình thức bói toán qua tư tưởng mê tín, lạc hậu. Người ta cho rằng con người có số mệnh. Ai có số giàu là giàu, số nghèo là nghèo; số nghèo thì không làm sao làm giàu nổi. Do tin tưởng vào số mệnh nên có một số người tiêu cực, sanh ra lười biếng bê tha rượu chè bài bạc, cho số mình là vậy.
Cũng từ thuyết định mệnh, đã khiến cho một số người tiêu cực không làm việc, mà đã không làm việc thì nghèo lại càng nghèo hơn. Vì không làm việc nên thì giờ rảnh rỗi nhiều sanh ra bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp khiến cho gia đình tan nát, xã hội rối ren, mất trật tự an ninh. Bởi thuyết định mệnh ra đời, cũng là một tai hại rất lớn cho loài người.
Từ thuyết định mệnh mới sanh ra bói toán, chiêm tinh dịch số âm dương, xin xăm, xóc thẻ, xem ngày tốt xấu, v.v.. tạo biết bao nhiêu sự mê tín, dị đoan khiến cho mọi người tốn hao tiền bạc rất nhiều.
Nếu xóc thẻ tốt, chúng ta đi ăn trộm ăn cắp của người khác thì thử hỏi có bị ở tù không? Một việc làm ác là tự mình làm khổ cho mình, chứ thẻ nào nói là tốt?
Luật nhân quả, vốn công bằng và công lý, ai làm ác thì phải thọ khổ, ai làm thiện thì được hưởng phước, không thể ở chỗ tốt xấu của thẻ mà được. Nếu thẻ bảo xấu mà chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có xấu được. Người ta chửi mình mà mình không giận hờn, không chửi mắng lại họ thì có xấu đâu.
Trong các chùa quý thầy đều biết xóc thẻ đó là mê tín, nhưng quý Thầy cứ duy trì, vì duy trì có lợi rất lớn. Nếu một ngôi chùa, duy trì sự xóc thẻ xin xăm thì hằng năm kiếm cũng được 5,10 triệu đồng dễ dàng, nhất là những ngôi chùa ở nơi thắng cảnh hằng năm Phật tử trẩy hội 3 tháng mùa Xuân, nhà chùa kiếm hằng bao nhiêu tỷ bạc như Chùa Hương, Yên Tử.
Sự mê tín rất tai hại cho đồng bào và làm hao tốn tiền bạc của dân, của nước rất nhiều mà không có ích lợi gì.
MỜI NGƯỜI CHẾT VỀ DỰ CÚNG
Hỏi: Kính thưa Thầy, như Thầy đã dạy cho chúng con biết, người chết khi tắt thở là tiếp tục tái sanh luân hồi (chết đây sanh kia), tức là chết là bắt đầu cho sự sống. Hàng năm cứ đến ngày giỗ và đến ngày Tết, lại ra mồ mả ông bà cha mẹ đã chết hàng 50 năm mời về ăn tết với con cháu.
Như vậy có đúng không, thưa Thầy?
Đáp: Đây cũng là một tục lệ mê tín dân gian, nhưng nói lên được tình nghĩa của con người (người sống đối với người chết). Bởi vì người ta không rõ người chết là mất hết, tan rã sạch, chỉ còn lại hành động nhân quả, nghiệp thiện, ác tiếp tục tương ưng với nhân quả thiện, ác mà tái sanh luân hồi (có thân mới).
Người ta tưởng rằng người chết là xác thân chết, nhưng linh hồn thì còn bất diệt mãi, luôn luôn sống dưới mồ. “Sống có nhà, thác có mồ”, tức là người chết thì linh hồn sống dưới mồ.
Ngôi mồ chỉ là một đống đất, chẳng có ai trong đó cả. Di tích đời người cuối cùng là ngôi mộ, là một nắm đất hôi thối, tàn tạ và khô cằn mà người sống dành cho người chết.
“Sống có nhà, thác có mồ”. Câu tục ngữ này nói lên tình nghĩa người nhớ ơn người, nhất là tinh thần dân tộc Việt Nam: “Chim có tổ, người có tông”. Đạo thờ phụng ông bà, tổ tiên cũng từ tình cảm con người mà ra. Vì thế, đến ngày tư, ngày tết, ngày giỗ, những người còn sống nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, cha mẹ, đến mộ mời những người ấy về ăn tết, như lúc họ còn đang sống với con cháu cho vui.
Tin tưởng như thế cũng chẳng có hại gì cho ai, miễn là không có gây phiền hà cho người khác, và toàn gia họp mặt vui vẻ, nhắc lại công hạnh, phước đức của ông bà, cha mẹ lúc còn sống, để con cháu nghe mà bắt chước.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Nguồn: tuhieuminhblogspot.com