Tôi nghĩ ta nên giảm bớt sự quan tâm, năng lượng, thời gian dành cho những thứ phù phiếm đi, dành tâm trí, năng lượng, thời gian cho những thứ thiết thực, có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mỗi người và cho toàn xã hội. 
Trong khi chúng ta đang ồn ào tranh luận về cuộc thi hoa hậu và các trận đấu bóng đá của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, Trung Quốc lặng lẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP tính theo sức mua (PPP) là 17.600 tỷ USD, so với 17.400 tỷ USD của Mỹ.
Họ lặng lẽ mua 49,99% cổ phần của sân bay Toulouse ở Pháp, đại bản doanh của các tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và ATR, gây nên một cơn chấn động trên chính trường Pháp. Trước đó, họ đã lặng lẽ mua mảng sản xuất máy tính của IBM (Mỹ), các tập đoàn sản xuất ô-tô Volvo (Thụy Điển), Peugeot (Pháp), nhiều tập đoàn công nghiệp khác trên khắp thế giới. Mỗi ngày họ lặng lẽ chi gần 1,0 tỷ USD cho nghiên cứu - phát triển, xếp thứ hai thế giới (sau Mỹ). Mỗi năm họ lặng lẽ đăng ký hơn 12.000 phát minh sáng chế PCT, xếp thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản).
Cũng lặng lẽ, CP Trung Quốc mua lại CP Việt Nam từ CP Thái Lan. CP Việt Nam là nhà cung cấp thức ăn, con giống, hoá chất chăn nuôi gia súc và thuỷ sản lớn nhất nước ta và chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành thịt, tôm, cá nội địa và xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra ở Việt Nam được các cổ đông lặng lẽ bán cho các chủ mới nước ngoài. Hiếm khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm doanh nghiệp nào ngoài nước.
Kinh tế nước ta đã và đang lặng lẽ nguội đi, với tăng trưởng GDP có tính tượng trưng nhiều hơn thực chất. Mỗi năm hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp khác phải giảm quy mô, sa thải nhân viên. Hơn 70.000 cử nhân thất nghiệp với một vài bằng đại học trong tay.
Mỗi năm ở nước ta, trên dưới 10.000 người chết trong các vụ tai nạn giao thông, hơn 70% số vụ liên quan đến xe máy. Mỗi năm, có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư do thực phẩm bẩn, ô nhiễm nguồn nước, không khí và 85.000 - 115.000 người chết vì căn bệnh này. Tai nạn giao thông và ung thư nhiều đến nỗi trở thành điều bình thường, ít khi gây ồn ào. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân, chỉ là sự hên xui, may rủi, cho nên những chuyện này không mấy khi ồn ào như chuyện hoa hậu, bóng đá.
Xem thi hoa hậu hay bóng đá là nhu cầu của nhiều người. Nhưng có lẽ không đáng để gắn các cuộc thi hoa hậu, các trận bóng đá với danh dự quốc gia. Càng không đáng vì chúng để tranh luận triền miên, tốn thời gian, năng lượng, gây bất đồng và chia rẽ. Chỉ là một cuộc thi sắc đẹp - cái thứ không hề có thước đo chung. Ngạn ngữ Nga có câu: "Về thẩm mĩ và màu sắc thì không có đồng chí". Chỉ là một trận đấu của môn thể thao bị tác động rất lớn của các yếu tố trình độ, thể lực, tâm lý cầu thủ và cả những chuyện tiêu cực đủ các kiểu. Nếu biết trước một đội bóng sẽ thắng (hoặc thua) đội bóng khác thì cần gì họ phải ra sân thi đấu?
Về các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, tôi có cảm giác chúng đã và đang phục vụ nhu cầu tạo dựng danh hiệu và nghề nghiệp cho các người đẹp hơn là mục đích tạo cơ hội để họ đóng góp lớn hơn cho xã hội. Có lẽ không nên nghĩ rằng hoa hậu là người đại diện cho phụ nữ Việt Nam trong việc này, việc kia. Là một cộng đồng, phụ nữ Việt Nam liệu có thể trao quyền đại diện cho một người chưa được thử thách, chưa hiểu đủ rõ, khó kiểm soát lời nói và hành động được không? Cộng đồng đó khó có thể trao quyền đại diện cho một người chỉ vì cái vương miện nhiệm kỳ 2 năm.
Bóng đá Việt Nam càng có ít lý do để tin hơn. Người dân Việt Nam đã mệt mỏi với đủ các kiểu tiêu cực bóng đá, thường xuyên thất vọng với VFF, với các cầu thủ và cả với các huấn luyện viên. Một vài tia sáng loé lên lúc này, lúc khác, trong một số trận chưa làm thay đổi được đáng kể cái chất của bóng đá Việt Nam. Chúng chỉ đủ để làm xuất hiện một vài tia hy vọng mới trong những người hâm mộ, để rồi lại bị dập tắt bằng sự giận dữ rất nhanh sau đó. Có thể đã đến lúc đặt vấn đề: liệu nhà nước có nên đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp không? Hay là nhà nước chỉ nên đầu tư cho thể dục, thể thao nhà trường và một số ít môn thể thao chuyên nghiệp có thế mạnh, có cơ hội đạt huy chương quốc tế, còn bóng đá chuyên nghiệp thì hoàn toàn để tư nhân đầu tư và kinh doanh? Các sân vận động nhà nước đã xây có thể bán, hoặc cho các câu lạc bộ bóng đá tư nhân thuê dài hạn làm sân nhà của họ. Biết đâu nền bóng đá hoàn toàn tư nhân sẽ được cải thiện, phát triển tốt hơn, chuyên nghiệp hơn và sạch hơn lâu nay?
Trở lại những vấn đề nan giải nêu trên và rất nhiều những yếu kém khác chưa nói đến của nước ta, nếu bớt quan tâm, bớt ồn ào về hoa hậu và bóng đá thì ta có khắc phục chúng sớm được không?
Tất nhiên là không!
Chúng không đơn giản để có thể giải quyết chỉ bằng việc bớt quan tâm đến hoa hậu và bóng đá. Nếu đơn giản như thế thì nói làm gì? Nếu làm được thế thì mai làm luôn!
Việc rút ngắn khoảng cách phát triển và cải thiện tương quan giữa nước ta với Trung Quốc không thể xảy ra trong một thế hệ. Chúng sẽ xảy ra ở các thế hệ sau, bằng các thế hệ sau, nếu các thế hệ đó được quan tâm đầu tư nghiêm túc ngay từ bây giờ.
Tôi nghĩ ta nên giảm bớt sự quan tâm, năng lượng, thời gian dành cho những thứ phù phiếm đi, dành tâm trí, năng lượng, thời gian cho những thứ thiết thực, có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mỗi người và cho toàn xã hội.
Ít ra là khi nhà đang còn nhiều khó khăn, nên hạn chế tham gia đàn ca sáo nhị, bia bọt rượu chè cho phải đạo.
Còn với Trung Quốc, tôi nghĩ ta cũng nên thay sự ghét bỏ bằng nỗi nhục yếu kém. Sự ghét bỏ chẳng giải quyết được gì, đôi khi lại còn làm cho ta mụ mị và đần độn đi. Nỗi nhục thì khác: nó có thể giúp ta thức tỉnh và hành động có mục đích, có trí tuệ.
LƯƠNG HOÀI NAM (FB)
Nguồn: http://reds.vn/
Share this article :