Ý chí tự do (free will)

Con người có quyền được lựa chọn và quyết định mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi kế hoạch cho mình hay không? Hay là do “Thượng Đế” sắp đặt trước. Nói một cách triết học là: “Con người có ý chí tự do hay không?” (Free will or not free will? Predetermined or not predetermined?)

Một việc xảy ra do ý trời (sự sắp đặt của vũ trụ) hay do ý người (sự tự do dùng ý chí của ta để sắp đặt sự việc). Ngôn ngữ Việt thường dùng chữ “thiên định” để ám chỉ một sự việc do trời, hay do quy luật vũ trụ, sắp đặt trước; và dùng chữ “nhân định” để ám chỉ một sự việc do chính ý chí của ta sắp đặt và quyết định. Cụ Nguyễn Du có lúc thì nhấn mạnh yếu tố thiên định, đến yếu tố nghiệp, như:

”Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng nên trách trời gần trời xa
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Nhưng lại có lúc cụ lại nói như một lời an ủi:

“Có trời mà cũng có ta”

Hoặc: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!”

Vậy thì thế nào? Vũ trụ lập trình mọi sự kiện, mọi biến cố (thiên định), hay con người ta tự quyết định lấy số mệnh của mình (nhân định), hay là… năm mươi -năm mươi?

Trong suốt chiều dài lịch sử đây là một câu hỏi đau đầu, một vấn đề rất gai góc liên hệ đến mọi tôn giáo, mọi triết học, mọi khía cạnh nhân văn, xã hội, luật pháp, đạo đức v.v… Có vô số những lời giải đáp, có vô số những câu trả lời, đưa đến vô số những quan điểm và nhận định hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong đời sống hàng ngày có vẻ như ta rất tự do. Ta muốn đi, đứng, nằm, ngồi, hay làm bất cứ việc gì đó, tất cả là do quyết định của ta, tức là do ý chí (will, volonte’) của ta. Nhưng có đôi khi ta lại thấy dường như không phải vậy. Ngay cả đối với bản thân ta nhiều khi, rất nhiều khi, ta chẳng có quyết định gì được cả.

Ta không muốn già, không muốn bệnh, nhưng cơ thể vẫn cứ già, cứ bệnh. Hoặc ta rất muốn có đủ trí thông minh để đối chọi với đời, hoặc ta rất muốn hoàn tất một dự định, hoặc ta rất muốn thành đạt; nhưng muốn là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là một chuyện khác. Cầu thủ tiền đạo đến trước khung thành đối phương, rất muốn sút vào goal, tất cả cổ động viên hàng trăm ngàn người đều muốn như thế, nhưng muốn là một chuyên, banh có đi vào lưới hay không đó là chuyện khác. Rõ ràng: Man proposes but God disposes! Con người dự tính nhưng Thượng đế quyết định!

Từ hiểu biết về vấn đề vô thức, nghiệp, sự quy định sinh học của genes, khiến ta khó chứng minh được rằng con người ta có quyền tự do lựa chọn trong ý nghĩ và hành động của mình. Rồi trong thế kỷ này, thuyết Big Bang càng ngày càng được kiểm chứng. Nghĩa là sự thành lập vũ trụ tùy thuộc vào những hằng số lúc ban đầu, đưa đến một diễn tíến nhất định (determined process) để hình thành thế giới chúng ta. Chính đây là luận điểm mạnh mẽ nhất, chứng minh chúng ta đã bị lập trình từ trước. Lập trình từ cơ thể sinh học đến cơ chế tư duy, hành vi ứng xử v.v…

Về mặt Pháp luật, tất cả các bộ luật đều bắt con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình (trừ khi bác sĩ xác nhận bị bệnh tâm thần). Về mặt tôn giáo, nhiều tôn giáo lớn cho rằng con người ta có ý chí tự do (free will), có thể làm những gì mình muốn, có thể quyết định những lựa chọn của mình. Vì có ý chí tự do nên con người phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động của mình. Tín đồ Catholic phải chịu trách nhiệm về quyết định việc mình theo Chúa hay theo Satan, lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Ngay cả Phật giáo cũng có những luân điểm như vậy. Anh phải làm điều thiện và tránh điều ác. Những lời dạy như vậy phổ biến trên hầu hết các tôn giáo, các bộ luật, các nhà xã hội, các nhà đạo đức…

Về mặt thế gian, luật pháp phải đòi hỏi con người có ý chí tự do, đòi hỏi con người phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Đó là chuyện đương nhiên, nếu không thì còn gì luật pháp, còn gì an ninh trật tự. Về mặt đạo đức, nếu anh không chịu trách nhiệm về tội lỗi của anh thì xã hội sẽ ra sao?

Về mặt tôn giáo cũng vậy? Những tôn giáo lớn, thường cũng đều cho rằng con người phải chịu trách nhiệm với hành động của chính mình, điều này gián tiếp cho rằng con người có ý chí tự do. Từ quan điểm này, tín đồ thường nguyện làm điều thiện tránh điều ác, nguyện làm điều này, nguyện tránh điều kia. Nhưng “nguyện” là phải dùng tới ý chí, nếu ý chí của tôi được tự do thì tôi mới thực hiện lời nguyện được. Ngay ở đây, một câu hỏi phải được nêu lên: Liệu con người ta thực sự có ý chí tự do để quyết định mọi hành động của mình hay không?

Ta thấy rằng tính tất định của vũ trụ, luật nhân quả, nghiệp, vô thức, genes đã chi phối, quy định toàn bộ hiện hữu của con người. Nghĩa là những nhận thức này đưa tới những hệ luận mâu thuẫn với phần lớn các quan điểm về tự do ý chí đang phổ biến trong xã hội con người. Tự do ý chí của con người dường như là nhận thức phổ thông và phổ biến. Tự do ý chí dường như là một chấp nhận hiển nhiên, không cần chứng minh. Vì thế, bài viết chỉ đưa ra đây một vài ví dụ cho quan điểm “con người không có tự do của ý chí”:

– Kinh cựu ước: Mỗi một sợi tóc rụng cũng là ý của chúa (tất cả mọi hiện tượng mọi sự kiện xảy ra là do ý chúa). Không hiểu sao Cựu ước nhận thức như vậy, mà đến Tân ước và nhà thờ hiên tại thì con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đáng lẽ ra “ổng” làm “ổng” chịu chứ.

– Cả Do thái giáo lẫn Hồi giáo cũng rất lúng túng khi phải giải thích về ý chí tự do. Họ cố gắng giải thích sao cho có sự quân bình giữa quyền quyết định tối cao của thượng đế với cái ý chí tự do của mỗi con người, giống như giải pháp của cụ Nguyễn Du.

– Triết học tây phương cũng đau đầu về vấn đề này. Những khuôn mặt lẫy lừng như Kant, Nietzche, Schopenhauer, Hume, Spinoza và nhiều người nữa cũng đều cho là vũ trụ và con người đều bị quy định trước (predetermined) như vậy có gì còn được gọi là ý chí tự do? Triết gia Đức Schopenhauer viết:

“Nếu một hòn đá đang bị ném bay trong không trung mà nó biết suy nghĩ thì nó cũng nghĩ là nó đang bay bằng ý chí tự do theo quỹ đạo mà nó muốn.”

Hòn đá vô tri vô giác nếu có ý thức thì điều đầu tiên nó mơ ước là có được tự do trong hành động của mình, huống hồ là con người một sinh vật có ý thức! và luôn luôn tự hào về mình. Chính vì nỗi khao khát này mà rất nhiều người muốn chứng minh con người có ý chí tự do, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm với hành động của mình.

– Sáu phái Triết học Ấn độ hoặc công khai hoặc không công khai cũng đều phủ nhận cái cho là Ý chí tự do.

– Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, người rất nhiều thần thông và pháp thuật cuối đời bị một đám đông người của giáo phái khỏa thân bao vây và đánh hội đồng tan xương nát thịt cho đến chết. Bạn bè nói chuyện với thần thức của Mục Kiền Liên:

– Sao ông lại để chịu chết như vậy, những thần thông đệ nhất của ông đâu? Sao không tàng hình, hoặc đằng vân bay đi, mà đứng đó đưa lưng chịu đòn?

– Các ông chưa hiểu nghiệp là gì! Lúc nghiệp đổ ào ào tới, thần thông cũng chẳng xoay chuyển nổi!

Về Ý chí thì mình muốn làm mọi cách để sống nhưng nghiệp thì bắt mình chết, ai cũng biết điều đó. Câu chuyện Mục Kiền Liên chỉ dù là huyền thoại, nhưng sự xuất hiện của câu chuyện đó trong lịch sử Phật giáo chứng minh rằng đã có ý nghĩ về sự bất lực của con người trước nghiệp, trước định mệnh.

Tính tất định của vũ trụ, luật nhân quả (law of cause and effect), nghiệp, genes, là những cái quy định hình dạng cơ thể, trí thông minh, cho cả đến toàn thể vân mệnh một cá nhân. Sự chứng minh và tranh luận về quan điểm này, sẽ vượt quá khuôn khổ bài viết. Nếu ai đã tìm hiểu căn kẽ, và đã tin ở sự quy định đó, thì quả thực khó thấy được cái phần tự do trong mọi tư duy và hành động của mình. Tôi cũng khao khát tự do như bạn, tôi cũng muốn chứng minh rằng, dù bị nghiệp quản thúc, bị genes quy định nhưng tôi vẫn có tự do ý chí để thực hiện những nguyện ước của tôi. Nhưng thực sự là không thể được, thực sự rất khó tìm được chứng minh cho cái tự do của tôi.

Có người nói tình trạng bị quy định (predetermined) và ý chí tự do (free will) là hai vấn đề khác nhau. Ta phải phân ra làm hai lãnh vực, lãnh vực vật chất thì bị quy định, còn lãnh vực tinh thần thì tự do. Tiếc rằng lý luận vừa nêu rất khó thuyết phục, bởi vì tách thế giới ra làm hai phạm trù độc lập không phù hợp với tính thống nhất hiển nhiên của vạn vật.

Có người nói Cơ học lượng tử (quantum physics) chứng minh rằng dù thế giới vật lý có bị quy định (predetermined) bởi những hằng số nào đi nữa thì vẫn có những sai lệch xác suất (probability) do tính bất định của hạt. Nghĩa là trong thế giới hạt (micro world) không có sự qui định tuyệt đối. Nghĩa là thế giới vĩ mô mà ta đang sống (macro world) cũng không hẳn bị qui định tuyệt đối. Tuy nhiên những chống chỏi như thế đều rất yếu về mặt lý luận. Ví dụ như nói cơ học lượng tử bế tắc trước sự bất định của hạt thì đó là tại vì cơ học lượng tử bế tắc chứ biết đâu một nền cơ học khác thì không bế tắc và lại tuyên bố không có cái gì là bất định. Theo tôi nhìn vấn đề từ quan điểm vật lý là rõ ràng nhất:

Nếu vũ trụ được hình thành theo một quy trình nhất định với những hằng số (constants) được tự nhiên lựa chọn trước, thì mọi hiện hữu, mọi sự kiện của thế giới, xảy ra sau đó, tất yếu cũng đều diễn ra theo một diễn trình không thể thay đổi. Từ vận động vĩ mô của vũ trụ đến từng hành động hay suy nghĩ của một cá thể cũng đã đều được lập trình. Thuyết này gọi là tất định luận (determinism). Theo tất định luận, trên thế giới này không có gì gọi là tự do ý chí hay ý chí tự do cả.

Nếu bạn kể rằng, ngày xưa, có lần bạn thất bại trong cuộc sống, nhưng nhờ ý chí mạnh mẽ mà bạn đã đứng dậy, vươn lên, vượt qua được nghịch cảnh để trở thành con người thành đạt hôm nay. Nếu bạn tin rằng diễn trình này chứng minh bạn đã có tự do ý chí, thì xin thưa: Toàn bộ diễn trình đó, sự thất bại ban đầu, nỗ lực phấn đấu vượt khó sau đó và sự thành đạt hôm nay, tất cả đã được lập trình. Tất cả mọi hiện hữu, mọi diễn biến đều đã được định trước, kể cả sự xuất hiện ý chí mạnh mẽ của bạn lúc đó.

Thế sao thực tế là lúc nào tôi cũng cảm thấy dường như mình có tự dọ quyết định điều này điều nọ. Tình trạng “cảm thấy” này được giải thích như sau: ví dụ như có một con Robot được lập trình sao cho, trước một tình thế, nó phản ứng được với mười cách ứng xử khác nhau. Ta cho rằng con Robot này rất thông minh, nhưng ta biết nó không có ý chí tự do, vì tất cả mười cách phản ứng cùa nó đã được lập trình sẵn, nó không biết đến cách phản ứng thứ mười một và hơn nữa.

Nhưng nếu một nhà lập trình siêu việt trong tương lai viết được một phần mềm, sao cho con Robot có thể có đến vô số những lựa chọn, thì chắc bạn không dám gọi nó là Robot nữa. Lúc ấy Robot sẽ thông minh không khác người sản xuất ra chúng. Và lúc ấy con Robot cũng không chịu nhận mình là Robot, chúng sẽ nói chúng có ý chí tự do, chúng sẽ tự quyết định sự tồn tại của chúng, chúng sẽ làm một cuộc nổi dậy chống lại con người. Phim khoa học giả tưởng (science fiction) mà bạn xem trên TV chắc chắn có một giá trị nhất định.

Trường hợp con người cũng vậy, do tương tác duyên khởi trùng điệp, con người có một số quá lớn những lựa chọn trước một tình huống. Do đó ta luôn luôn có cảm giác như được tự do trong những lựa chọn hoặc quyết định của mình. Mà không biết rằng ngay từ lúc khai thiên lập địa, ở những phút đầu tiên của Big bang, toàn bộ hiện hữu và tiến trình vận động của vũ trụ đã bị quy định. Lúc nào protein được thành lập, lúc nào xuất hiện sinh vật đơn bào, lúc nào xuất hiện sinh vật đa bào, lúc nào có con người đầu tiên, sinh lý cơ thể con người vận hành thế nào, tư duy con người vận hành theo những phản xạ ra sao… Tất cả đều được định trước.

Khi nào hình thành xã hội, cấu trúc xã hội ra sao, khi nào chiến tranh, khi nào hòa bình tất cả đều được lập trình trước. Nhưng con người, sinh vật sinh sau đẻ muộn trong suốt chiều thời gian thăm thẳm đó, luôn luôn tin mình độc lập với tự nhiên và quyết định hết mọi diễn tiến của lịch sử loài người. Trong cuộc đời riêng tư của mình, thì con người còn lại tin chắc hơn nữa về sự tự do của nó. Sở dĩ thế, vì thiên nhiên đã lập trình cho con người rất nhiều lựa chọn trong cách ứng xử của nó.

Tại sao đa số con người tin tưởng ở ý chí tự do, tin tưởng mình có khả năng lựa chọn, mà lại có thiểu số rất ít người lại đặt dấu hỏi nghi ngờ về cái tự do này. Đây là thiểu số bi quan (pessimistic)? Đúng, tất cả các triết gia đã tìm thấy sự bất lực của con người, tìm thấy sự không tự do trong ý chí con người, đều nhận rằng mình là kẻ bi quan. Nhưng sự thật rõ ràng, không phải cứ lạc quan là chân lý. Nếu nhanh nhạy, ta sẽ thấy ngay, chính các triết gia đó mới là những người khao khát tự do nhất. Họ là thiểu số muốn tìm đến cái tự do tuyệt đối, cái tự do tuyệt đối mà đám đông không dám nghĩ tới và thực sự cũng không có khả năng nghĩ tới. Rất tiếc là các triết gia Tây phương luôn đặt vấn đề mà lại thường bất lực khi tìm giải pháp cụ thể.

Đạo học đông phương cũng đối mặt với vấn đề tự do ý chí, câu trả lời của đạo sư Vivekananda có thể là một trong những ví dụ cho minh triết của đông phương:

“Tự do ý chí” tự thân nó là một cụm từ mang những nghịch lý. Không thể có tự do ý chí. Vì ý chí là cái ta nhận thức được, mà cái ta nhận thức được, nghĩa là nó phải hiện hữu trong thế giới này. Bất cứ cái gì hiện hữu trong thế giới thì phải chịu chi phối của thời gian, không gian, luật nhân quả. Muốn tìm thấy tự do, phải vượt qua thế giới này.

“Therefore we see at once that there cannot be such thing as Free-Will; the very words are a contradiction, because will is what we know, and everything that we know is within our universe, and everything within our universe is moulded by conditions of time, space and causality…To acquire freedom we have to get beyond the limitation of this universe; it can not be found here.” (Free will in theology, Wikipedia)

Thế giới chúng ta đang sống bị quy định bởi hai chiều thời gian và không gian. Tất cả hiện hữu, hay hiện tượng, đều xuất hiện và diễn tiến theo một quá trình nhất định, chi phối bởi luật nhân quả. Người ta gọi đây là “thế giới nhân quả”. Trong thế giới nhân quả không thể có tự do ý chí.

Vũ trụ quan Phật giáo quan niệm có hiện hữu của vô lượng thế giới. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “thế giới Hoa Nghiêm”. Trong đó có những thế giới không nằm trong vũ trụ của Vật lý học hiện đại, những thế giới không xuất hiện theo diễn trình Big Bang, những thế giới mà lý trí con người không thể nhận thức được. Vũ trụ quan Phật giáo còn phân biệt trong Tam giới và ngoài Tam giới. Lý trí hữu hạn chắc chắn không hình dung được khái niệm “Tam giới” của Phật giáo. Lý trí hữu hạn chẳng thể biết giới hạn Tam giới là thế nào. Nhưng chúng ta có thể biết chắc một điều, thế giới nhân quả nằm trong tam giới. Cứu cánh tối hậu của đạo Phật là vượt qua Tam giới, để đạt đến Niết Bàn. Niết bàn nằm ngoài tam giới. Do đó chỉ khi nào mức tiến hóa tâm linh vượt qua tam giới, vượt qua nhân quả, ta mới tìm thấy tự do tuyệt đối.

Cuối cùng là một cách nhìn rõ ràng nhất, cho thấy bản chất không tự do của ý chí. Đó là nhận ra mối quan hệ giữa ý chí và bản ngã. Đối với Phật giáo, “ngã” không tồn tại một cách độc lập, ngã không có tự tính. Cho rằng có một “bản ngã” tức có một cái ta, đó là một ảo tưởng. Trong chân lý tuyệt đối, “ngã” không có thực. Tất cả chân lý về “ngã” làm cho con người trần thế chơi vơi. Tương tự như thế với “ý chí”, cái xuất phát từ “ngã”. Ý chí xuất phát từ bản ngã (cái tôi), cái không có tự tánh, nên ý chí do đó cũng là giả hợp. Ý chí cũng chỉ là ảo tưởng hệt như chủ nhân của nó tức là bản ngã. Điều này càng làm cho con người trần thế hoảng loạn hơn nữa. Cho nên cần phải hiểu rõ toàn bộ vấn đề bản ngã hay ý chí trong nhận thức minh triết nhất.

Bài viết này cố gắng đưa ra một số lý luận về “ảo tưởng của bản ngã” hay “ý chí không tự do” trong ánh sáng của nhiều nguồn minh triết, và nhất là của đạo Phật, chẳng qua là muốn tự định hướng trên con đường tu tập. Căn bản của Đạo Phật là sự thực hành. Câu trả lời cho vấn đề “ảo tưởng của bản ngã” hay “ý chí không tự do” không chủ yếu nằm trong sự tranh luận. Trong quá trình tu tập, thực hành và thành tựu, hành giả (practitioner) sẽ tự tìm ra lời giải đáp cho mình.

Nguồn: trích tuhieuminhblogspot.com
Share this article :