Có thể bạn sẽ nảy ra một vài ý tưởng sau khi đọc bài viết này

Liệu chúng ta có đang sống chỉ để làm việc và mua sắm?

Featured Image: Keoni Cabral

1. Chúng ta sống để làm gì? Câu hỏi này gần như được đặt ra mỗi ngày, với mỗi người. Bạn, những người quanh bạn đang sống để làm gì? Tất cả chúng ta, mọi người trên thế giới này đang sống để làm gì? Những câu trả lời sống để ăn, để ngủ, sống để tìm ý nghĩa cuộc đời, sống để yêu thương… tôi cho rằng đều là những câu trả lời chưa thỏa đáng. Chúng ta sống tất nhiên không chỉ vì những việc tầm thường như ăn và ngủ. Chúng ta càng không sống vì những mục đích lớn lao cao cả như tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, ghi dấu ấn vào cuộc đời hay thay đổi thế giới. Ít nhất không có nhiều người làm được những điều đó trên cuộc đời này, hình như không phải chúng ta. Vậy thì phải có thứ gì đó ở giữa, thứ gì đó mà mọi người đều sống vì nó như một quy luật tất yếu, thứ mà phần đông mọi người đều chấp nhận và tuân theo, một thứ gì đó đại trà và phổ biến.
Tôi không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng gần đây, khi tiếp xúc với một số lý thuyết và luận điểm thú vị, tôi đã bắt đầu mường tượng ra. Liệu, chúng ta, tất cả chúng ta đều đang chỉ sống để… làm việc. Vâng, là làm việc, có bao nhiêu người trên đời này sống mà không cần làm việc hay chưa từng làm việc? Bản thân việc “làm việc” đôi khi không hẳn là thứ mọi người muốn nhưng chẳng mấy ai có thể tách nó ra khỏi cuộc sống cả. Khi còn nhỏ chúng ta được đẩy đến trường học ngày qua ngày tháng qua tháng không phải vì mục tiêu hiểu biết, mà để mong sau này đậu đại học, ra trường kiếm được một công việc làm. Khi lớn lên đã có việc làm, chúng ta gần như dành trọn tuổi trẻ cho công việc, lãng quên đam mê và những thứ khiến ta hạnh phúc thật sự. Cho đến khi về hưu mục tiêu của mọi người luôn là cố gắng làm việc để chứng tỏ bản thân, để được cống hiến và cụ thể hơn là để được không phải làm việc khi về già.
Đúng vậy, mọi người làm việc để không phải làm việc về sau. Việc làm từ khi nào đã trở thành nỗi ám ảnh, thành mối quan tâm hàng đầu của mọi lớp người trong xã hội. Tất nhiên, mục tiêu của nó là làm việc để kiếm tiền duy trì cuộc sống, duy trì rồi thì làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống và theo đuổi các tiện nghi khác. Vậy tôi có thể nói “làm việc” chính xác là thứ người ta sống để làm hay không?
Tất nhiên theo cách này hay cách khác, dù việc ta thích hay không, dù việc to hay nhỏ, dù làm vì mục tiêu gì, mọi người đều sống để làm việc. Không giây phút nào trên trái đất này không có người làm việc, dù ngày hay đêm, dù trên mặt trời hay dưới lòng đất, trên biển hay trong đất liền, dù làm việc bằng tay chân hay bằng đầu óc, dù ở bờ biển hay trong nhà hàng… Mọi nơi, mọi lúc đều có người đang làm việc.
Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thật sự cần làm việc nhiều như thế để duy trì cuộc sống? Thế giới này có cần nhiều người làm việc như vậy mới có thể duy trì và phát triển? Tại sao người ta không sống vì hạnh phúc, sống để tạo ra những giá trị đích thực hay tạo ra những thứ lớn lao ý nghĩa mà cứ phải sống để làm việc ngày qua ngày? Liệu có một tương lai nào tốt đẹp cho những con người chỉ muốn làm việc vừa đủ không?
2. Tôi từng đọc được một bài luận rất hay, đại ý bài luận ấy nói rằng chúng ta hoàn toàn không cần thiết phải làm việc 8 tiếng/ngày để duy trì cuộc sống. Bài luận đưa ra những luận điểm thuyết phục mọi người hãy quẳng bớt công việc đi, hãy sống cho ra sống, sống để hưởng thụ, để trải nghiệm, để trân trọng thời gian chứ không phải sống để làm việc. Một bài luận nhận được rất nhiều sự phản đối từ mọi người, đúng vậy, phản đối, chứ không phải đồng tình. Như kiểu ai cũng thích làm việc cả, kiểu như phải làm việc không ngơi nghỉ thì mới tồn tại được trên trái đất này.
Làm tôi lại nhớ tới một câu nói trên status của anh H.H (founder Triết Học Đường Phố):
“Bạn có để ý thấy những ai thường bị giết, ám sát không? Luôn là những người kêu gọi hòa bình, đoàn kết, yêu nhau: Jesus, Gandhi, Lincoln, John Kennedy, John Lennon, Bobby Kennedy, Martin Luther King, Malcom X… và Bùm một phát, ngay đầu. Rõ ràng là loài người chưa bao giờ sẵn sàng cho những tư tưởng như thế.” – George Carlin.
3. Công nghiệp hóa là một bước tiến vĩ đại của loài người, nhưng lại là một bước tiến tồi tệ đối với trái đất. Nó khiến cho hàng hóa dư thừa, khiến cho tất cả mọi người phải quay cuồng theo cái vòng xoáy bất tận của sản phẩm, sản xuất, hàng hóa, lưu thông, mua sắm rồi lại làm việc, kiếm tiền, mua sắm, sản xuất, khai thác, vứt bỏ rồi lại làm việc, lại mua…
Hãy bắt đầu với thời gian làm việc của loài người nói chung. Ngày xưa người lao động phải làm việc tới 16 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần để có thể bắt kịp tiến độ của máy móc đang dần trở nên thịnh hành. Mọi việc thay đổi khi một người có tên Robert Owen bắt đầu tổ chức chiến dịch đòi quyền cho công nhân không làm việc quá 8 tiếng/ngày, khẩu hiệu của ông là “một ngày làm việc 8 tiếng, vui chơi tận hưởng 8 tiếng và 8 tiếng còn lại để nghỉ ngơi”.
Thật không may, một trong những người đầu tiên đáp ứng yêu sách này của ông, chính là vị doanh nhân nổi tiếng Henry Ford. Ông đi đầu trong việc phê chuẩn cho công nhân của mình rút ngắn giờ làm còn 8 tiếng và thậm chí còn tăng gấp đôi lương. Điều này đã tạo nên bước ngoặt rất lớn cho sự phát triển của xã hội. Mọi người làm việc hăng say hiệu quả hơn, chỉ trong một thời gian ngắn đã đem về cho công ty gấp đôi lợi nhuận.
Các doanh nghiệp và tập đoàn lớn bắt đầu học theo ông và chẳng mấy chốc, cả thế giới bằng lòng với mức lao động 8 tiếng/ngày và 5-6 ngày/tuần. Vấn đề ở chỗ, khi Henry Ford kí quyết định đó, không phải vì ông lo lắng cho sức khỏe của công nhân hay gì tương tự thế, lý do của ông được tiết lộ rằng: “Tôi đồng ý mọi người cần làm việc ít đi, để có thời gian mà ra ngoài mua sắm, phải vậy thì nền kinh tế mới phát triển được, tất nhiên, mua sắm ô tô cũng nằm trong danh sách đó.” Đó có thể coi như một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của xã hội, khi người ta giảm ½ thời gian làm việc để dành thời gian cho việc mua sắm, vô hình chung đã hình thành nên xã hội đương đại của chúng ta hiện nay. Xã hội của vật chất, của tiêu dùng, phá hoại và rất nhiều điều tệ hại đi kèm.
4. Đồng ý với quan niệm của Story of Stuff, tôi cũng phản đối sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng, không phải lên tôi, mà lên xã hội này cũng như trái đất này. Công nghiệp hóa khiến cho hàng hóa trở nên dư thừa. Các nhu cầu căn bản được đáp ứng lại nảy sinh ra những nhu cầu mới, hết nhu cầu mới lại có những nhu cầu cũ được làm mới, cứ thế nó xoay tròn loài người trong cái vòng xoay bất tận để thỏa mãn những thú vui vật chất mà quên đi cái đích đích thực của kiếp người. Chính chủ nghĩa tiêu dùng, chứ không phải cộng hòa, dân chủ hay quân chủ mới là siêu chủ nghĩa, mới là thứ chi phối tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, đủ mọi lứa tuổi, màu da, giới tính… Mọi người đều ở trong nó, bị nó chi phối, hoàn toàn tự nguyện.
Vậy tại sao chủ nghĩa tiêu dùng lại không tốt? Vì nó khiến cho chúng ta, tất cả chúng ta, đều chạy theo vật chất, chạy theo những thứ hàng hóa bám ngoài da. Nó thay đổi nếp suy nghĩ và cả phương thức sống của mọi người. Chủ nghĩa tiêu dùng nói rằng, nếu như bạn không mua sắm, bạn là người tệ hại, bạn không giúp xã hội phát triển, bạn là người vô dụng. Nó nói rằng, nếu bạn không mua sắm bất cứ gì, thì cuộc sống của bạn là vô nghĩa, bạn tụt hậu, bạn thua kém mọi người. Chủ nghĩa tiêu dùng nhồi vào đầu óc người ta rằng sống là phải mua sắm, rằng giá trị con người bạn nằm ở những thứ đồ vô tri trên người bạn, xung quanh bạn chứ không phải bản thân bạn, nó nhất định cho rằng mua sắm là cách làm cho xã hội phát triển, là cách khiến bạn chứng tỏ giá trị và là cách để đánh giá một con người, một quốc gia.
Tại sao người ta không đánh giá một quốc gia bằng những chỉ tiêu như độ hài lòng, độ hạnh phúc, độ an toàn, độ trong lành xinh đẹp, mà lại chỉ đánh giá qua những con số “tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm xuất nhập khẩu”. Tại sao người ta không đánh giá nhau qua những giá trị đóng góp cho người khác, cho gia đình, cho xã hội mà lại đánh giá qua những đồ vật họ có thể mua và có thể mang bên mình? Sở dĩ chúng ta phải làm việc 8 tiếng cũng chỉ vì lẽ đó, vì phải kiếm tiền để mua sắm, vì nếu không có tiền, không mua sắm ta sẽ bị tụt hậu, bị người khác chê cười, bị đánh giá là người tụt hậu, nghèo hèn.
Ta không thể nào cứ đi mãi chiếc cub cùi khi được nói mỗi ngày bên tai rằng xe này mới sành điệu, xe kia mới mạnh mẽ. Ta không thể dùng mãi cái điện thoại cùi khi 24/7 mọi phương tiện truyền thông đều bô lô ba la rằng dòng điện thoại mới này là cần thiết, là tuyệt vời, là hoàn hảo, là không thể thiếu trong cuộc sống. Mà cho dù ta có giữ được bản thân khỏi sự hấp dẫn của những món hàng, chỉ sử dụng những thứ đúng nhu cầu, thì, liệu những người xung quanh có còn ai muốn chơi, muốn quen biết, muốn giao thiệp hay hợp tác với ta không?
Thật ra đây chỉ là một khía cạnh nhỏ tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng. Sự thật nó còn tệ hại hơn nhiều. Theo Story of Stuff, sản xuất hàng hóa chính là chủ đề được ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới này. Vâng, không phải y tế, giáo dục, đời sống, an toàn hay gì cả, mà chính là kinh tế, chính là việc sản xuất hàng hóa. Chính phủ các cấp quan tâm và ưu tiên nó đến nỗi, ở nhiều nơi, các tập đoàn còn giàu mạnh và ảnh hưởng nhiều hơn cả chính phủ, thậm chí nó chi phối cả chính phủ các nước.
Tất cả những gì chủ nghĩa tiêu dùng quan tâm, là làm sao để sản xuất được nhiều hàng hơn, bán được nhiều hàng hơn cho mọi người. Vâng, chỉ có thế. Và nó làm mọi cách để đạt được điều đó. Chắc hẳn bạn còn nhớ khi đi học chúng ta được dạy về quy trình sản xuất hàng hóa như thế nào, rằng hàng hóa đến từ nhà sản xuất, qua kênh phân phối, đến tay người tiêu dùng.
Đó chỉ là một phần rất nhỏ của quy trình. Họ không dạy chúng ta rằng trước cả khâu sản xuất, hàng hóa là những tài nguyên bị đào khỏi lòng đất, bị chặt khỏi rừng, bị xới tung và tận diệt. Họ cũng quên không nói rằng, hàng hóa nào cũng chứa những hóa chất độc hại sẽ đi vào cơ thể theo cách này cách khác.
Họ càng quên không nói rằng, để làm ra được một sản phẩm người ta phải thải ra bao nhiêu chất độc hại, ô nhiễm ra môi trường, phải tận dụng bao giờ làm việc của những người lao động cùng khổ và sau cùng phải mất bao nhiêu chi phí để hàng hóa đến được tay chúng ta. Và họ cũng chẳng nói với ta rằng những thứ hàng chúng ta mua sẽ mau chóng bị lỗi thời và hư hỏng, chúng ta sẽ lại phải mua những món hàng mới, còn những thứ đồ cũ vất đi sẽ bị chôn vào lòng đất, sẽ góp phần hủy hoại môi trường.
Không, họ không nói với chúng ta điều đó, bởi vì họ còn bận nhồi vào đầu ta rất nhiều thứ khác: rằng mua sắm là việc nên làm, cần làm và phải làm, rằng hãy mua sắm để thể hiện giá trị con người bạn, rằng bất cứ thứ gì bạn cần trên đời, bạn đều có thể mua được. Các tập đoàn, các công ty và xí nghiệp làm mọi biện pháp để duy trì thứ chủ nghĩa này. Họ biến chúng ta thành những kẻ thụ động, những kẻ sống hời hợt, chạy theo trào lưu, vây quanh những món hàng vô tri vô giác, họ biến mục đích sống của chúng ta trở nên tầm thường. Biến mọi con người thành nhỏ nhen, ích kỷ, vụ lợi và tính toán. Đó chính là mặt trái xấu xí của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó bắt chúng ta làm lụng vất vả để có tiền mua sắm, mua mỗi ngày, mua nhiều hơn nữa và sau cùng đút tiền vào túi của các nhà tài phiệt.
Theo một vài khảo sát, người Mỹ ngoài thời gian làm việc chính thức thì chỉ làm hai việc: mua sắm và xem tivi, mua sắm thì là mua sắm rồi, nhưng xem tivi cũng lại là một kênh mua sắm khác nữa, tivi ném vào bạn hàng trăm mẫu quảng cáo mỗi ngày, quảng cáo trực tiếp, gián tiếp, quảng cáo liên tục không bao giờ ngừng nghỉ. Đó chính là cách thức chủ nghĩa tiêu dùng chi phối chúng ta. Nó nhắc ta mỗi ngày rằng ta là người tụt hậu, quê mùa, xấu xí, răng ta xấu, tóc ta hư, da ta tệ hại và đồ dùng của ta thì lỗi thời và quê kệch.
Truyền thông là một công cụ hữu hiệu phục vụ cho chủ nghĩa tiêu dùng. Nó nhắc ta mua sắm mỗi ngày, nó làm mọi việc chỉ để chạy theo mục tiêu lợi nhuận và bán hàng của các nhà sản xuất. Nó không quan tâm tâm tư tình cảm và nhu cầu cao cấp của con người, nó đơn thuần chỉ là một công cụ. Và dường như càng ngày thứ công cụ này càng lớn mạnh, đến nỗi con người không thể sống mà thiếu chúng?
Chủ nghĩa tiêu dùng, nói tổng quát, chính là chủ nghĩa vật chất, nó làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường, nó khiến con người phải làm việc ngày đêm cho những sản phẩm họ không thật sự cần tới, để làm hài lòng những người không quen biết, làm vừa lòng cái xã hội này.
5. Nếu như một ngày làm việc rút ngắn lại 4 giờ cho mọi người làm việc sản xuất đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới, hàng hóa không còn dư thừa, mọi người trân quý đồ dùng hơn, có nhiều thời gian để sống cho chính mình, cho những đam mê, những nghiên cứu, những sáng chế và nhiều thời gian hơn cho con cái, cho gia đình. Điều đó không phải rất tuyệt sao? Bạn nghĩ điều này là vô tưởng? Nhưng chẳng phải nó đã từng xảy ra trong quá khứ rồi sao? Khi giờ làm việc chính thống 16 tiếng được rút thành 8 tiếng/ngày. Vậy giờ nếu lịch sử lặp lại một lần nữa, thời gian làm việc được rút thêm một lần ½, thế giới này sẽ ra sao?
Chắc hẳn rất nhiều người chưa bao giờ hình dung được cuộc sống trong thế giới đó. Liệu người ta làm việc ít hơn trái đất có ngừng quay không, cây cối có ngưng sản xuất oxi và người ta có chết vì lo lắng cái ăn cái mặc? Không, nhất định là không, có thể người ta sẽ bớt mua sắm chi tiêu lại một chút, có thể người ta sẽ muốn dành nhiều thời gian bên con cái, dạy dỗ chúng trở thành người tự lập, tự kiếm tiền, tự mua nhà chứ không cố sống cố chết mua nhà để sẵn cho chúng.
Có thể người ta sẽ có nhiều thời gian để đi du lịch khắp nơi cùng nhau, biết rõ và tường tận về địa lý và các vùng miền của nước nhà, trải nghiệm những không gian văn hóa khác nhau. Có thể người ta sẽ muốn đi ra thế giới nhiều hơn, học hỏi được tinh hoa văn hóa của cả nhân loại nhiều hơn. Có thể người ta sẽ có nhiều thời gian để vui chơi, đọc sách, trau dồi tri thức, kỹ năng và dành nhiều thời gian, tình cảm hơn để ở bên người thân. Có thể bọn trộm cắp sẽ thôi không hoành hành khi họ cũng có thể có được cuộc sống như bao người, khi đồ dùng đắt giá không phải mối quan tâm của ai cả mà tâm tư, tình cảm và những hoạt động nhân văn mới là thứ người ta mong muốn.
6. Tổng lại hai ý lớn ở trên, rằng con người có cần làm việc 8 tiếng/ngày không để suy trì và làm hài lòng cái chủ nghĩa tiêu dùng ích kỷ? Tôi cho rằng không. Tại sao phải làm việc 8 tiếng/ngày khi chỉ cần 4 tiếng/ngày chúng ta có thể giải quyết mọi việc sản xuất mọi thứ đủ cho nhu cầu của cả thế giới? Tại sao người công nhân phải làm 8 tiếng để sản xuất gấp đôi những cái kẹp ghim, những cái móc quần áo, những cái tăm xỉa răng chất đầy trong kho?
Điều đó là không cần thiết. Thế giới không cần đến những kho hàng đầy ắp dư thừa như thế chỉ vì mục tiêu lợi nhuận của các tập đoàn. Thế giới cần được phát triển theo những phương thức khác, nhân văn hơn, sâu sắc và ý nghĩa hơn. Trái đất lại càng căm ghét chủ nghĩa tiêu dùng, nó hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mất hàng tỉ năm mới có được. Nếu như con người chỉ sản xuất những thứ cần thiết, vừa đủ cho nhu cầu thì hẳn trái đất này sẽ rất đẹp xinh. Không khí trong lành, cây cối xanh tươi, chim thú đa dạng, con người và thiên nhiên hòa nhập với nhau.
Các bạn sẽ nói đó là một thế giới không tưởng hay lý tưởng, sao cũng được, chúng ta hãy cứ hình dung, cứ tưởng tượng đi, chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực cả, nhưng nếu ý tưởng này có thể tác dụng dù chỉ một chút ít lên lối sống của chỉ một ai đó, làm cho nó tốt đẹp hơn, không phải thế cũng tuyệt rồi sao? Tin vui là chúng ta có tiền đề và nền tảng để xây dựng thế giới đó, chỉ là chúng ta có thực sự muốn và đủ năng lực tư duy để chấp nhận nó hay không mà thôi. Tại sao thế giới không cần người ta phải làm việc 8 tiếng/ngày? Nếu nhìn theo một góc nhìn khác bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.
Các bạn sẽ nói đó là một thế giới không tưởng hay lý tưởng, sao cũng được, chúng ta hãy cứ hình dung, cứ tưởng tượng đi, chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống thực cả, nhưng nếu ý tưởng này có thể tác dụng dù chỉ một chút ít lên lối sống của chỉ một ai đó, làm cho nó tốt đẹp hơn, không phải thế cũng tuyệt rồi sao? Tin vui là chúng ta có tiền đề và nền tảng để xây dựng thế giới đó, chỉ là chúng ta có thực sự muốn và đủ năng lực tư duy để chấp nhận nó hay không mà thôi. Tại sao thế giới không cần người ta phải làm việc 8 tiếng/ngày? Nếu nhìn theo một góc nhìn khác bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.
Bạn có cho rằng, chúng ta không cần quá nhiều đồ dùng, thế giới này không cần đầy ắp hàng hóa như hiện tại không? Và đặc biệt là trái đất này càng không hề muốn chủ nghĩa tiêu dùng được duy trì quá lâu, quá sâu sắc như hiện nay. Chẳng việc gì phải chặt hàng rừng cây để sản xuất ra những bộ bàn ghế cồng kềnh chất đầy các showroom hay đóng thành những tập giấy chất đầy ắp các kho hàng. Nếu chúng ta chỉ sản xuất đủ nhu cầu của thế giới, không dư thừa thì bao nhiêu tài nguyên, bao nhiêu cánh rừng trên đời được bảo tồn và tươi tốt? Chẳng việc gì phải mất hàng ngàn giờ lao động của những đứa trẻ vị thành niên ở thế giới thứ ba để sản xuất ra một kho quần áo khổng lồ lỗi mốt mỗi ngày, hàng tấn tấn thực phẩm hư hỏng hết hạn dùng phải thiêu hủy mỗi giây.
Đó là một sự lãng phí khủng khiếp mang tính tàn bạo của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó thà sản xuất ra hàng đống hàng đống hàng dư thừa để rồi phải thiêu hủy còn hơn là chia đều cho những người cần đến chúng. Theo S.O.T, chỉ trong vòng vài trăm năm loài người đã khai thác hết 1/3 tổng lượng tài nguyên trên trái đất, cứ cái đà khai thác, sản xuất như thế để thỏa mãn những nhu cầu thứ cấp thì loài người sẽ phải cần tới 5 trái đất mới đủ tài nguyên cung cấp thỏa mãn nhu cầu ảo này. Vâng, là 5 trái đất, nhưng bạn biết đấy, trái đất đẹp xinh này chỉ có một thôi, một duy nhất thôi. Sao chúng ta lại lỡ quên điều đó mà cứ thoải mái ăn xài như hiện tại?
Con người được đặt lên trái đất này với một sự ưu tiên tuyệt đối so với mọi loài, được sử dụng mọi quyền lợi trong khả năng với điều kiện con người phải bảo tồn những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của trái đất này. Tiếc thay loài người chúng ta là những kẻ tham lam, chúng ta tận diệt trái đất mà chẳng có biện pháp nào để bảo vệ và bảo tồn nó cả, chưa đủ và sẽ không bao giờ đủ.
Chúng ta không chỉ lấy mọi thứ của trái đất, chúng ta cũng trả về cho nó, nhưng là trả về những hóa chất độc hại, những nguồn nước bị ô nhiễm và hàng tỷ tỷ tấn rác thải trong đó rất rất nhiều là rác thải công nghiệp, độc hại, không bao giờ phân hủy. Chúng sẽ mãi còn ở đó dù hàng ngàn năm nữa trôi qua. Thế hệ con cái chúng ta nhất định sẽ phải gánh đủ hậu quả, yên tâm là thế, nhất định là thế nếu chúng ta không có biện pháp và hành động nào khắc phục.
Hãy tưởng tượng, rác thải tiêu dùng chúng ta thải ra môi trường mỗi ngày là 1, thì rác thải trong sản xuất, trong công nghiệp nhân lên con số 70, bạn có thể hình dung nổi không? Và những thứ rác thải siêu độc hại này, là rác vĩnh viễn, không thể tái chế và không thể phân hủy được. Bạn có hình dung được trái đất của chúng ta đang phải gánh chịu một sức ép lớn như thế nào từ đống rác loài người thải ra?
Và không chỉ trái đất mà từng cá thể chúng ta cũng phải chia nhau gánh nặng đó. Những cá thể ở các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam ta còn chịu sức ép lớn hơn. Khi các nước lớn tha hồ dùng phần tài nguyên trên đất của ta sản xuất ra sản phẩm cho nhu cầu của họ, và rồi, thải ngược lại cho chúng ta hàng trăm ngàn tấn rác thải mỗi năm trong sự chào đón nhiệt tình của mọi người.
Chẳng cần nói nhiều ai trong chúng ta chẳng biết thừa Việt Nam từ lâu vốn đã bị xem như cái thùng rác của thế giới. Xe hơi cũ không xài nữa, nhập về đây, quần áo sida chẳng ai còn mặc, nhập về đây. Linh kiện, máy móc, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu, đồ điện tử… tất cả những gì thế giới thải ra đều sẽ được nhập về Việt Nam dưới những tên gọi mỹ miều. Tôi thật sự đau lòng về điều này. Tài nguyên của chúng ta đâu hết rồi? Tại sao chúng ta không là cái nôi, là cái nguồn hay là một thứ gì giá trị hơn. Tại sao chúng ta lại chỉ là cái thùng rác của thế giới? Xấu hổ quá, thất vọng quá!
7. Quá nhiều những bất cập càng nói càng đau lòng, nhưng làm sao chúng ta có thể thay đổi điều đó, liệu một thực tại khác có thể xảy ra trên trái đất này? Có thể lắm chứ, miễn sao chúng ta không ngừng tìm cách, không ngừng suy nghĩ, đừng cổ súy và chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng như những tín đồ mất hết chính kiến. Từ đó xây dựng nên những khái niệm, những hệ thống và quy trình mới cho thế giới này. Chẳng phải thế giới này mọi thứ đều thay đổi bắt nguồn từ những ý tưởng hay sao? Đừng xem thường bất cứ ý tưởng nào dù nhỏ bé hay điên rồ.
Tin vui là cho đến nay, khá nhiều những lý thuyết mới đã và đang dần xuất hiện hứa hẹn thay đổi hệ thống kinh tế, xã hội ở mức vĩ mô. Đó là điều hoàn toàn có thể. Chỉ cần chúng ta chịu khó tìm hiểu nó, chấp nhận nó và để cho nó được chứng tỏ sự đúng đắn của bản thân. Bởi lẽ cái gì không đúng sẽ tự nhiên bị triệt tiêu khỏi thế giới này, đó là quy luật.
Chẳng hạn sự xuất hiện của Bitcoin là một ví dụ điển hình. Nếu các bạn có tìm hiểu sẽ thấy ngay, nó là một bước tiến cực kỳ đáng chú ý cho nền kinh tế cả về phương thức lẫn giá trị. Nếu như nó được chấp nhận và ủng hộ rộng rãi, tôi không biết người ta còn cần đến hệ thống ngân hàng để làm gì? Cần các dịch vụ chuyển tiền làm gì? Mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng, đơn giản, tiết kiệm và gọn gàng hơn bao giờ hết.
Rồi hãy thử nhìn mô hình kinh tế Kibbutz tôi từng đề cập trong bài viết về Israel, không phải đó là một mô hình quá tuyệt vời sao? Người ta tha hồ sống khỏe chả cần mua các thiết bị máy giặt vì có đội giặt ủi cho cả làng, người ta chẳng cần mua xe hơi vì đã có sẵn một bãi xe miễn phí ai thích chạy thì lấy chạy… Điều tưởng chừng vô lý đó hoàn toàn có thật, không cần nghi ngờ nữa. Giờ thì xin giới thiệu với các bạn thêm một ý tưởng về một thế giới mới, một nền kinh tế kiểu mới, nếu hình thái kinh tế này được phát triển và duy trì, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tưởng chừng vô tưởng: không mua sắm vẫn sống tốt và chẳng cần gì phải làm việc quá nhiều.
8. Trước tiên xin lấy bản thân mình làm ví dụ đầu tiên cho việc kiểm soát thói quen mua sắm và hạn chế tác động của truyền thông lên cuộc sống cá nhân. Tôi đã làm được, bằng cách nào? Chỉ một vài năm trước đây có thể coi tôi như một tín đồ của chủ nghĩa tiêu thụ và mua sắm, cũng như mọi người, đặc biệt cũng như mọi cô gái trẻ khác, tôi yêu việc mua sắm, tôi không thể ngừng mua sắm thêm quần áo mới, đồ dùng mới hàng tuần, thậm chí hàng ngày.
Không thể ước chừng được số tiền tôi bỏ ra cho thói quen tai hại này, dù nhiều khi thứ đồ tôi mua về có khi chẳng bao giờ được đụng đến. Vậy mà giờ đây, vẫn là một cô gái trẻ, tôi lại chẳng mất nhiều chi phí cho khoản này, không phải vì tôi không thích những món đồ mới, không phải vì tôi không có điều kiện, mà chỉ đơn giản vì tôi thấy chúng không còn cần thiết nữa.
Tôi mặc đi mặc lại chỗ quần áo đã mua từ lâu, tôi đi hoài một đôi giày yêu thích và kiểu tóc thì để mãi ngàn năm chẳng buồn thay đổi. Tôi quên luôn cái ý định đổi điện thoại mỗi khi ra dòng mới dù trước đây đã từng đặt nó như việc nhất định phải làm. Và tôi nhận ra, mọi thứ chẳng có gì thay đổi, mặc đi mặc lại một vài bộ quần áo không khiến cho bản thân tôi mất giá trị, xài một món đồ lỗi mốt cũng không vấn đề. Mọi thứ chẳng có gì to tát nữa. Tôi dành nguồn lực tập trung cho những mục đích cao hơn, như học những kỹ năng mới, nghĩ ra những cơ hội kinh doanh mới, trau dồi bản thân bằng những giá trị tốt đẹp hơn như vốn kiến thức, sự hiểu biết và rất nhiều thứ khác. Những thứ sẽ không bị lỗi mốt và không bị vứt đi như những món hàng.
Tôi nhận ra thời gian và tiền bạc dùng để mua những bộ đồ hợp mốt có thể dùng để tập thể thao và đầu tư ăn uống hợp lý, rồi thì ta sẽ có một cơ thể đẹp đẽ cân đối. Khi có một cơ thể đẹp, cân đối rồi thì mặc gì cũng sẽ đẹp cả thôi, không nhất thiết phải là những bộ đồ đắt đỏ hay thời thượng. Giả sử thế. Hoặc tôi biết rất nhiều bạn nữ, mỗi khi có dịp tiệc tùng, như sinh nhật, đám cưới, lại phải đi mua những bộ quần áo váy đầm mới. Nhưng hãy thử một lần, lục lại tủ và mặc một bộ đồ cũ đi, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng rằng chẳng mấy ai bận tâm chuyện bạn mặc gì cả, ngoại trừ chính bản thân bạn. Và rằng bạn sẽ nhận ra quần áo là phù phiếm thế nào.
Tất nhiên tôi hoàn toàn không khuyên các bạn chê bai quần áo, chỉ là hãy nhìn nhận nó đúng với giá trị nó mang lại, đừng quá phụ thuộc và ảo tưởng về quần áo. Tôi là người chuyên bán quần áo thời trang, nhưng lại khuyên các bạn điều ngược đời như vậy nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng lời khuyên này, và thử tự mình kiếm chứng đi.
Nếu như mỗi lần ra đường bạn lại băn khoăn nên mặc gì, thử một lần mặc đại vài món cơ bản trong tầm tay, dám chắc khi bạn không chú ý tới vẻ ngoài của mình quá nhiều thì tâm trạng của bạn cũng thoải mái hơn nhiều lắm. Đừng xem tivi, xem quảng cáo quá nhiều. Nó chẳng có tác dụng gì hơn việc cố bán cho được nhiều hàng, sự thật răng bạn không xấu, tóc bạn không xấu, xe bạn không lỗi thời, điện thoại của bạn vẫn ngon lành lắm.
Mọi thứ vẫn ổn, chỉ có trong mắt truyền thông quảng cáo, chẳng cái gì là ổn cả, bạn phải mua đồ mới thì mới ổn được, nhưng sự thật chúng ta đều biết, món đồ mới sẽ nhanh chóng bị cũ đi, bị lỗi thời và bạn lại phải quay cuồng vào những món mới khác nữa. Cứ thế, khi để mặc cho truyền thông dắt mũi đưa bạn vào mê cung mua sắm bạn sẽ mãi sống trong thế giới vật chất tầm thường, không bao giờ thỏa mãn và góp phần không nhỏ hủy hoại môi trường sống cũng như trái đất này. Bạn có muốn như vậy không?
Tôi không tin mình có thể khiến cho ai đó ghét mua sắm hay ít mua sắm hơn sau bài viết này. Tất nhiên, đó là một căn bệnh, một loài virut đáng yêu chẳng ai muốn khỏi cả. Nhưng tất cả những gì tôi muốn, là đem đến cho những ai chưa từng quan tâm, hãy có một cái nhìn toàn cảnh về mọi việc, bao gồm cả việc mua sắm, chủ nghĩa tiêu dùng đã và đang phá hoại trái đất, phá hoại cuộc sống và các giá trị xã hội nhiều đến thế nào.
Chính vì chủ nghĩa tiêu dùng mà truyền thông ngày càng biến dạng. Bạn có biết tại sao các trang tin tức ngày càng tiêu cực, vớ vẩn và tệ hại không? Vì họ phải đăng những tin như thế để thu hút nhiều người đọc, nhiều người đọc để bán quảng cáo, bán quảng cáo để bán được nhiều hàng. Tất cả chỉ có thế. Nếu như một xã hội người ta không cần mua sắm nhiều, các công ty không cần quảng cáo quảng bá ra rả ngày đêm thì các trang tin có cần đăng những thứ rác rưởi, giật gân, tiêu cực như hiện tại? Tôi nghĩ rằng không.
Dù là một người học chuyên ngành truyền thông – quảng cáo, nhưng tôi phải thừa nhận tôi ghét nó. Càng đi sâu vào nó tôi càng ghét, khi tất cả mọi hoạt động truyền thông gần như đều vì mục đích bán hàng, bán nhiều hàng, nhiều hàng hơn nữa. Tôi phát chán đọc những tài liệu, những dự án, những cuốn sách chật ních những “thông điệp truyền tải, sự thật ngầm hiểu, thõa mãn tức thời, nghiên cứu hành vi, thị hiếu, thói quen khách hàng, marketing, quảng cáo, bảng khảo sát, chiến lược tiếp cận khách hàng, tạo ra nhu cầu …” vân vân. Thật sự quá mệt mỏi khi phải gặp những từ ngữ chuyên ngành đó thường xuyên. Tôi ghét chúng, tất cả chúng. Chúng biến con người thành những thực thể yếu đuối và hay thay đổi, chúng đào sâu từng ngóc ngách trong tâm tư con người không phải để làm cho nó tốt đẹp hơn, mà chỉ để bán hàng, để sinh lợi nhuận mà thôi. Tôi ghét những mẫu quảng cáo ngập tràn báo chí, truyền hình, website, diễn đàn, ngập tràn đường xá, cầu cống và thậm chí cả trên giấy vệ sinh cũng gặp quảng cáo nữa.
Tôi ghét chúng, tôi ghét những chương trình truyền hình, những sân khấu, những con đường ngập tràn các bảng hiệu, các tên thương hiệu, các băng rôn áp phích. Tôi ghét những cảnh phim lạm dụng quảng cáo sản phẩm, tôi ghét những cuộc gọi chào hàng, ghét những gương mặt, những con người hoàn hảo, những gia đình hoàn hảo trong các phim quảng cáo. Ghét những người yêu nhau vì một loại dầu gội, ghét những gia đình hạnh phúc nhờ một loại thuốc đông y nào đó, ghét những đứa trẻ chỉ thông minh được khi ăn một loại bánh này, lễ phép khi được uống một loại sữa kia. Tôi ghét những hình ảnh hàng hóa tràn ngập trang facebook của mình, ghét những tờ rơi bay đầy phố… Tôi ghét mọi thứ liên quan đến quảng cáo, truyền thông, ghét những hành động chỉ mang mục đích bán hàng.
Tôi ước hàng hóa không nhiều, không dư thừa để người ta biết trân quý hơn những gì người ta có. Để người ta không làm mọi việc chỉ để có tiền mua sắm, để người người không nghĩ về vật chất mà nghĩ về tâm hồn nhiều hơn. Chắc chắn sẽ có người nói tôi điên rồi, đúng vậy, tôi điên rồi, cái chủ nghĩa tiêu dùng này khiến tôi phát điên rồi. Tôi chỉ muốn đập nát nó đi thôi. Còn nếu ai nói nếu không sản xuất, không mua sắm xã hội không thể phát triển, hẳn người đó sẽ phải suy nghĩ lại.
Đúng thế, có thể kinh tế hàng hóa phát triển chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ theo hướng bền vững hơn, hài hòa hơn và tuyệt đẹp hơn. Khắp mọi nơi trên thế giới ai cũng có thời gian để làm việc và nghiên cứu những gì mình giỏi. Mọi người nông dân đều hiểu rõ cách nuôi trồng nông sản của mình cho hiệu quả. Các nhà khoa học có nhiều nguồn lực hơn để nghiên cứu sáng chế, các y bác sĩ sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu, bào chế các phương thức chữa bệnh mới, những bài thuốc mới hiệu quả hơn.
Nhất định nếu có điều kiện để mọi người dù nông dân hay tri thức cùng nhau nghiên cứu mọi vấn đề, lĩnh vực thì trái đất này sẽ càng xanh tốt, những nguồn năng lượng sạch được khai thác và tìm thấy sớm hơn. Tất cả các tiến bộ khoa học, công nghệ trên đời sẽ tiến nhanh thêm một bước, thậm chí nhiều bước. Vì chúng ta tận dụng được kho ý tưởng của toàn nhân loại và chúng ta có gấp đôi lượng thời gian hữu ích được sử dụng cơ mà.
9. Giờ xin quay lại việc giới thiệu về hình thái kinh tế mới mà tôi đã nhắc ở trên: Nền kinh tế chia sẻ
Bạn đã bao giờ nghe đến khái niệm này? Để đơn giản, hãy tưởng tượng một viễn cảnh mà nơi đó, mọi người đều dùng chung đồ dùng của nhau, nói gọn là mọi người chia sẻ đồ dùng với nhau, từ những thứ đồ sử dụng mỗi ngày như xe hơi, như bếp nấu ăn, cho đến những thứ đồ ngàn năm mới sử dụng một lần như đồ nghề câu cá, dụng cụ cắm trại, bộ dụng cụ sửa xe, làm vườn. Mỗi khu phố lại có một nhà kho chứa những thứ đồ dùng từ phổ biến đến chuyên môn cho mọi người trong phố ai có nhu cầu thì đến lấy về dùng, xong lại đem trả… Như thế không phải thật tiện dụng và thật tiết kiệm sao? Như một thư viện công cộng cấp khu phố, ai có sách lại mang đên đây góp lại, mọi người đến đọc tự do và chịu trách nhiệm bảo quản.
Ngay cả những đồ dùng như đồ chơi con nít, quần áo, đồ nội thất, đồ công nghệ, đồ dùng nhà bếp hay ti tỉ thứ đồ dùng khác, hễ ai có mà không dùng tới nhiều sẽ tự động quyên vào nhà kho chung cho mọi người cùng sử dụng. Và hãy tưởng tượng những căn nhà được đề bảng chia sẻ ở khắp nơi, ai cũng có cơ hội kiếm được một chỗ ở nơi mình yêu thích, thuận tiện cho công việc và vui chơi. Có thể đây là một khái niệm khá mới và bạn chưa kịp hiểu lẫn thấm nó. Vậy thì đừng tiếc bỏ ra một khoảng thời gian nhất định tìm hiểu về mô hình kinh tế chia sẻ này, tôi hứa đó sẽ là khoảng thời gian xứng đáng không bị phí trong cuộc đời bạn đâu.
Ưu điểm của nền kinh tế chia sẻ này không còn gì phải nghi ngờ. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên của trái đất, tiết kiệm được rất nhiều thời gian hoang phí trong việc cố sản xuất hàng hóa cho dư thừa như mô hình cũ. Không chỉ tài nguyên trái đất mà tài nguyên của mỗi cá nhân cũng được trân trọng hơn, bao gồm cả vật chất và phi vật chất, như công sức, tình cảm, thời gian. Mọi người không cần đi làm cật lực để mua những thứ đồ dùng chạy theo mốt mới. Chỉ sống đủ nhu cầu và dành thời gian công sức để theo đuổi đam mê, sáng tạo những ý tưởng mới, bào chế ra những phương thuốc mới, cách thức chữa bệnh mới. Nhiều thời gian hơn để đi du lịch khắp nơi, trải nghiệm thế giới phẳng. Nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho gia đình, cho con cái và cha mẹ. Ai cũng hài lòng.
10. Có một câu nói ngắn gọn mà rất nhiều người chúng ta đã nghe qua và từng cảm thấy xấu hổ về nó, một câu nói mô tả chân thực thực tế hành động của chúng ta khi bị chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa hàng hóa chi phối và điều khiển, xin được nhắc lại:
“Rất nhiều người trong chúng ta, tiêu những đồng tiền không phải do ta kiếm được, để mua những thứ ta không thật sự cần, nhằm để chứng tỏ với những người ta không thích.” – Dave Ramsey, (Fight Club)
Vâng, bạn có thấy không? Có thừa nhận câu nói này rất đúng không? Nếu viết đầy đủ câu nói đó có thể như này: “Rất rất rất nhiều người trong số chúng ta, tiêu những đồng tiền do người khác làm việc cật lực có được, hoặc những đồng tiền do chính chúng ta đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, để mua những món đồ ta chẳng thật sự cần, chỉ để lấy le với những người ta không quen biết, không quan tâm, làm giàu cho một nhóm nhỏ người khác mà ta chẳng hề biết đến, rồi sau đó nhanh chóng quăng nó đi, quên nó thật nhanh và góp một tay đẩy trái đất này đến ngày tận kiệt.”
Liệu sau bài viết này có ai muốn cùng tôi căm ghét cái chủ nghĩa tiêu dùng chết tiệt này? Có ai đó muốn nhìn lại cuộc sống của bản thân và bắt đầu thay đổi?
Đừng ai nói những người như tôi làm cản trở sự phát triển của xã hội, vì tôi dám khẳng định rằng xã hội này cần nhiều người có những ý tưởng, những hành động thiết thực hơn, ý nghĩa hơn việc ngồi hàng giờ xem quảng cáo và mua sắm. Thế giới này chắc chắn sẽ thay đổi vì những người có những hành động đi ngược số đông, chứ sẽ không thay đổi vì những hành động của bầy cừu hay của đàn chuột lemping. Không, nhất định không!
Và cũng đừng ai nói thế giới này không thể thay đổi, nếu bạn cho rằng như thế thì bạn cũng không nên ngăn cản những người đang cố thay đổi nó. Còn giả như bạn cho rằng thế giới này không cần thay đổi ư? Bạn thật ích kỷ. Chúng ta cần thay đổi nó, không phải vì chúng ta, mà vì con cái chúng ta, vì tương lai của trái đất này, vì đó là trách nhiệm của loài người khi mang danh thống trị muôn loài, đừng đùn đẩy cho loài nào khác.
Còn nếu như bạn nghĩ đó không phải việc của bạn, thật tốt vì bạn đã đọc đến đây. Sau nữa dành cho những người thật sự quan tâm, hãy tìm hiểu, đây có thể là thời cơ, là cơ hội của bạn. Hãy thử nghiên cứu sâu hơn về nền kinh tế chia sẻ, bạn sẽ nhận ra được nhiều cơ hội có thể ứng dụng vào thực tế. Bạn có thể sẽ trở thành người đi đầu trong nền kinh tế mới mẻ này vì nhu cầu chia sẻ luôn luôn tồn tại, không bao giờ mất đi cả. Và chia sẻ đồ dùng, kinh tế nhất định sẽ không ngoại lệ.
Hôm nay tôi làm được nhiều việc nên cảm thấy mệt mỏi quá, có ai dư một bờ vai rảnh rỗi để chia sẻ cho tôi lúc này không? (Đó cũng là một ý tưởng về kinh tế chia sẻ nhỉ)

Phi Tuyết
nguồn: triethocduongpho.com
Share this article :