Chuyện ở Trung Đông
Các quốc gia ở Trung Đông hầu hết nằm trên những giếng dầu khổng lồ. Cứ thế, ra sau nhà múc dầu lên bán.
Nhưng gần đây, thế hệ con em của các nhà giàu Ả Rập sau khi du học Tây Tàu về, nhận thấy sự giàu có do tài nguyên thiên nhiên mang lại không vững bền được. Vì tài nguyên sẽ cạn kiệt, những quốc gia phồn vinh nhất lại là những quốc gia ít tài nguyên thiên nhiên nhất, tài nguyên con người mới là quan trọng. Những cái đầu kiệt xuất, giỏi giang sẽ giúp quốc gia phát triển bền vững. Không có dòng máu của ai, của dân tộc nào là đẳng cấp cả, tất cả đều do đào tạo mà nên. Một đứa trẻ mồ côi trong trại mồ côi ở Việt Nam cũng có thể trở thành 1 bộ trưởng ở Đức. Cũng không có người dở, chỉ có người lười học tập và lười lao động và biến thành người dở.
Nói là làm, họ đầu tư con người kinh khủng, điển hình như Ả Rập Sau-di, quốc gia luôn dẫn đầu về lượng sinh viên du học tại Mỹ và châu Âu. Đặc trưng của nhóm này là sau khi học xong, họ về nước chứ không ở lại, mở cơ ngơi làm ăn, chủ yếu các ngành nghề không liên quan đến dầu khí. Nên họ học không vì bằng cấp, mà học để biết cách làm. Dubai hay nhiều thành phố khác trở thành các trung điểm cho du lịch, tài chính, thể thao, hậu cần, vận tải…vì họ biết TIỀN ĐẺ RA TIỀN. Các doanh nhân ở đây biến lợi thế nằm giữa lục địa Á-Phi-Âu của vùng trung đông và cứ thế hốt bạc của Âu, Á, Phi, có nhiêu tiền đem qua cho họ hết.
Các sân bay ở Dubai, Doha…không ngừng mở rộng quy mô, làm cơ sở cho 3 hãng hàng không lớn nhất ở Trung Đông, đều được xếp hạng 5 sao, là Emirates, Qatar và Etihad. Mỗi hãng có mấy trăm chiếc máy bay tân tiến hiện đại, họ tổ chức đi thu gom khách hầu hết mọi thành phố lớn ở châu Á, từ Phnom Pênh đến Mumbai, Tokyo, Thượng Hải….rồi chở về trung điểm. Từ trung điểm đó, họ túa đi mọi thành phố lớn ở châu Âu và châu Phi. Các sân bay ở đây hoạt động 24/24 và các chuyến bay nối tiếp nhộn nhịp vô cùng, các xe buýt chở đầy khách từ cửa này đến cửa kia trong sân bay, băng qua những con đường đầy cát của sa mạc, thậm chí từ terminal này đến terminal kia phải đi tàu điện. Ví dụ như sân bay Dubai, có tới 70 triệu hành khách 1 năm, và nối tuyến trực tiếp với 270 thành phố trên thế giới, có 90,000 nhân viên phục vụ tại sân bay trực tiếp, nửa triệu việc làm gián tiếp. Hàng năm, sân bay này thu về 27 tỷ đô la, bằng GDP một quốc gia nhỏ.
Điều đặc biệt là công nhân viên ở các sân bay phần lớn là người nước ngoài. Họ tự tìm đến để làm việc (search “apply job in Dubai/Doha airport”). Còn trên các chuyến bay, tiếp viên đủ thành phần quốc tịch, phi công cũng vậy, chỉ có máy bay, sân bay, tiền lãi…là của các ông chủ Ả Rập. Vì họ đào tạo dân họ với thói quen “cho việc” tức quản lý và kiếm tiền, còn nhân lực thuê mướn hết. Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Philippines, Indonesia…là những nơi cung cấp nhân lực nhiều nhất cho họ.
Họ có văn phòng tuyển nhân lực ở các nước. Ở Ấn, họ tuyển ở Mumbai, Chennai và New Delhi. Ở Trung Quốc, họ đặt VP ở Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh. Ở Đông Nam Á, họ đặt văn phòng tuyển người ở Singapore và Kuala Lumpur. Các bạn trẻ phải tự nộp hồ sơ và sang đó phỏng vấn, ngày nào cũng có tuyển. Các bạn trẻ mới ra trường ở Đông Nam Á rất thích công việc tiếp viên hàng không hay nhân viên mặt đất ở sân bay trung chuyển, thường làm 2-3 năm để kiếm ít tiền trước khi về nước làm ăn.
Ngoài ra, nếu làm tiếp viên HK, còn có cơ hội du lịch miễn phí. Vì một đoàn tiếp viên bay đường dài, ví dụ đến Milan Ý, sẽ nghỉ ngơi vài ngày. Toàn ở khách sạn 5 sao. Ở Tp HCM, đoàn tiếp viên hay ở khách sạn Movenpick, đứa nào đứa nấy vô khách sạn đẹp như tiên nữ ngọc đồng, sáng lóa cả góc trời.
Chúc các bạn trẻ tự tin làm việc và trở thành công dân toàn cầu. Làm việc ở Trung Đông, giá cả sức lao động là công bằng cho mọi quốc tịch. Họ cũng không quan tâm bằng cấp, high school là đủ, miễn tiếng Anh giao tiếp tốt. Nhưng phải thể dục thể thao để khỏe mạnh, chịu đựng được cường độ làm việc với “con nhà người ta”. Con nhà người ta bây giờ là Mary, Zhu Xiao Bin, Sasaki, Peter, Mohamed, Naidu…nên mình phải cao lớn, khỏe mạnh, đẹp đẽ ngang hàng với họ. Dẹp thói quen dặt dẹo với ipad laptop mà đầu tư cho thể lực và trí lực đi, để phân công lao động quốc tế. Lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp không phải 4-5 triệu nữa mà là 2000-3000 USD.
Mình làm ở đó, lương bổng cao nên về quê hương Cà Mau xài tiền như nước nhé, gián tiếp làm cho quê nhà giàu có hơn. Ví dụ 1 con cua Cà Mau, dân địa phương ăn 20,000 đồng còn lật qua lật lại chê óp chê nhỏ, mình phá giá liền, mua con cua đó giá 200 ngàn đồng trong sự ngỡ ngàng của thực khách bản địa. Người thì nước hoa sực nức, ăn vận sang trọng, mở miệng nói tiếng Anh lơ lớ, người ta đang hâm mộ nên mình phải chảnh lên. Giả bộ rút ví ra boa luôn chị bán cua 100 ngàn, nói chụy ơi hấp bia Corona giùm em nghen chị, làm chị ấy lúng túng chơi, dưới quê có ai biết bia Corona là bia gì.
Nói giỡn chứ các bạn trẻ lo đầu tư vào tài sản của mình đi. Chuẩn quốc tế hết đi. Chỉ có 4 loại tài sản là vốn sống, nhân cách, thể lực và trí lực. Còn lại là phương tiện hết. Bằng cấp chỉ là miếng giấy chứng nhận trong một thời gian nào đó có vượt qua 1 kỳ sát hạch. Biệt thự chung cư cũng chỉ là phương tiện trú ngụ (giống cái hang đá ngày xưa), siêu xe (xe hơi xe máy cũng như xe ngựa cách đây mấy trăm năm) hay tiền bạc (đô la vàng bạc cũng chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa, giống vỏ sò cách đây 2000 năm). Đừng nhầm mà đầu tư cho phương tiện, giống cách đây 2000 năm, nhiều người ngây ngô đầu tư xây dựng hang đá thiệt đẹp, xe ngựa thiệt to, vỏ sò thiệt nhiều…rồi lúc đó khoe khoang này nọ, nói để dành cho con cháu, giờ có dùng nữa đâu? Nên giờ mình đầu tư biệt thự, tiền bạc, xe cộ…2000 năm nữa tụi nhỏ nó cười mình chết. Ông tổ để lại một nhân cách lấp lánh, một trí tuệ lung linh vẫn tuyệt vời hơn 1 đống vỏ sò lòe loẹt.
Học học học. Làm làm làm. Kỷ luật kỷ luật kỷ luật…!!!