Trả lời câu hỏi: Vì sao người Việt không bị đồng hóa?
Hà Văn Thùy
11:02' AM - Thứ ba, 15/09/2015
Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số ra ngày 7 tháng 9 đăng bài Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc?của ông Nguyễn Hải Hoành. (http://nghiencuuquocte.net/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/). Trong bài viết hơn 5000 chữ, tác giả cho rằng: “Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.”
Đó là cách nhìn rất sai về con người và văn hóa phương Đông. Một cách nhìn giản đơn, hời hợt trong khi thực tế lịch sử phức tạp và sâu xa hơn nhiều.
Lâu nay, chúng ta nói quen miệng: văn hóa Trung Hoa, tiếng nói Trung Hoa, chữ viết Trung Hoa… nhưng thực sự chưa ai biết người Trung Hoa là ai? Vì vậy những chuyện về Tiếng nói Trung Hoa, chữ viết Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa… thiên hạ bàn bao nhiêu cũng hầu như là nói mò, tán dóc! Không thể trách ông Nguyễn Hải Hoành cùng các học giả Việt Nam vì cho tới nay chính người Trung Hoa cũng không trả lời được những câu hỏi trên!
Trong tiểu luận này, tôi xin trình bày cách nhìn khác, bằng con mắt của thế kỷ mới.
I. Nguồn gốc người Trung Hoa
70.000 năm trước, hai đại chủng Homo sapiens là Australoid và Mongoloid từ châu Phi, theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây, họ hòa huyết với nhau rồi con cháu họ hòa huyết tiếp trong nhiều vạn năm, cho ra hai chủng người Việt cổ Indonesian (Lạc Việt) và Melanesian. Trong quá trình hòa huyết, họ cũng hòa hợp về tiếng nói. Chủng Lạc Việt (Indonesian) là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Sau đó, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục rồi vượt eo Bering sang chinh phục châu Mỹ. Khoảng 4000 năm TCN, người Việt sống khắp Hoa lục và xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Khoảng 3300 năm TCN, tổ tiên ta lập nhà nước đầu tiên với vị vua huyền thoại Thần Nông ở kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ. Khoảng năm 2879 TCN, nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời. (1)
Năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục xâm lăng đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, dựng vương triều Hoàng Đế. Do số người ít, văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề nông cùng tiếng nói của người Việt. Tiếng Việt bị nói trại theo giọng Mông Cổ và trong vai trò thống trị, người Mông Cổ áp đặt xã hội nói theo cách nói Mông Cổ (Mongol parlance) mà ngày nay ta gọi là “nói ngược” phụ trước chính sau: tôi đi trước -> tôi trước đi; Thịt gà -> gà thịt… Trong quá trình sinh sống, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Sau mấy đời, người Mông Cổ thuần chủng không còn, người Hoa Hạ thay cha ông, thiết lập các triều đại từ Nghiêu, Thuấn tới nhà Chu. Cả thời kỳ lịch sử dài, người Hoa Hạ chỉ chiếm giữ phần nhỏ đất Hoa lục. Ở phần đất còn tự do rộng mênh mông, người Việt thành lập những tiểu quốc, luôn chống lại kẻ xâm lăng. Tuy nhiên, do nắm vai trò chính thống, người Hoa Hạ coi các tộc người Việt bản địa là man di còn mình là cội nguồn của dân tộc Trung Hoa. Cuối thời Chu, nhà Tần gồm những bộ tộc Tây Nhung người Việt, diệt lục quốc, nắm quyền lãnh đạo. Do mất vai trò thống trị, người Hoa Hạ mất vị trí tầng lớp tinh hoa, hòa tan trong cộng đồng Việt đông đảo. Hạng Võ rồi Lưu Bang, là người Việt nước Sở diệt nhà Tần, lập nhà Hán. Vương quyền vào tay người Việt. Nhưng do vang bóng của Hoa Hạ trong quá khứ nên nhà Hán cũng tự nhận là Hoa Hạ!
Như vậy, tổ tiên người Trung Hoa là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục từ 40.000 năm trước. Trong quá trình sống trên lưu vực Hoàng Hà, người Việt hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra người Việt hiện đại, chủng Mongoloid phương Nam, mà người Hoa Hạ là một bộ phận. Sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Việt Mongoloid phương Nam lan tỏa xuống phía Nam và Đông Nam Á, làm chuyển hóa di truyền hầu hết dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam như hiện nay.(2)
Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) là cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược
do Lê Lợi lãnh đạo và kết thúc bằng việc giành lại độc lập cho nước Đại Việt
và thành lập nhà Hậu Lê...
II. Tiếng nói và chữ viết Trung Hoa.
1. Về nguồn gốc của tiếng nói Trung Hoa
Khi di cư, người tiền sử mang theo tiếng nói của mình từ quê mẹ châu Phi tới Việt Nam. Tại đây, cùng với hòa hợp máu huyết cũng diễn ra hòa hợp ngôn ngữ giữa các tộc người. Tiếng Lạc Việt Indonesian thành chủ thể của tiếng nói cộng đồng. Cố nhiên, tiếng nói không đồng nhất bởi lẽ, ngoài tiếng Lạc Việt được dùng như tiếng “phổ thông” thì mỗi nhóm có tiếng nói riêng. Do vị trí địa lý, khu vực miền Trung là nơi mà tổ tiên chúng ta định cư sớm nhất (bằng chứng là các di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong). Vì vậy, ngôn ngữ vùng này là ngôn ngữ gốc của người Việt. Người di cư đưa tiếng Việt tới Quảng Đông, Phúc Kiến rồi chiếm lĩnh toàn bộ Hoa lục. Do sống tại những môi trường địa lý cùng sự tiếp xúc dân cư khác nhau, tiếng nói bị phân ly, ngày càng xa nhau tới mức không hiểu được nhau. Vì vậy, thời nhà Chu đã cho tiếng phương Nam là Nhã ngữ, có nghĩa là thứ tiếng nói thanh nhã và khuyến khích dân chúng dùng Nhã ngữ. (3)
Ngày nhỏ nghe các cụ truyền ngôn: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” quả tình tôi không thể nào hiểu nổi. Nhưng từ khám phá hôm nay thấy cha ông ta vô cùng sáng suốt!
2. Về chữ viết Trung Hoa
Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm ra chữ. Nhưng trên thực tế, nhà Hạ chưa có chữ và hơn nửa thời Thương, người Hoa Hạ cũng chưa có chữ. Trong khi đó, trên vùng cư trú của người việt, chữ tượng hình được sáng tạo từ rất lâu rồi. Khảo cổ học khám phá, 9000 năm trước ký tự tượng hình đã xuất hiện ở văn hóa Giả Hồ. Cuối năm 2011 phát hiện “phù tự” (chữ dùng cho bùa chú, tế tự) khắc trên đá tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây 4000 – 6000 năm trước. Chữ khắc trên giáp cốt cũng tìm thấy ở văn hóa Lương Chử hơn 3000 năm TCN. Từ những phát hiện chữ viết sớm (trước khi người Hoa Hạ ra đời) trên vùng đất cư trú của người Việt, cho thấy, chữ tượng hình Giáp cốt văn là do người Việt sáng tạo. Từ Cảm Tang, chữ được đưa lên Hà Nam vùng Trong Nguồn, là trung tâm kinh tế văn hóa lớn của người Việt. Chữ được cải tiến và được dùng làm công cụ ghi chép. Khoảng 1300 năm TCN, vua Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Việt, lập triều Ân. Chính ở đây người Hoa Hạ gặp Giáp cốt văn. Thấy giá trị lớn của chữ giáp cốt, nhà Ân đã đưa chữ của người Việt lên bước phát triển cao. Tiếp đó nhà Chu chuyển từ văn khắc trên yếm rùa, xương thú thành chữ viết trên lụa, trên thẻ tre, khắc trên đồ đồng. Nhà Tần, một quốc gia người Việt, làm cuộc cách mạng chuẩn hóa văn tự, đưa chữ tượng hình có diện mạo như ngày nay. (2)
Chữ tượng hình được chế ra để ghi âm tiếng Việt là sự thật không chỉ thể hiện ở nguồn gốc của nó mà còn được lưu giữ trong Thuyết văn giải tự, cuốn từ điển đầu tiên do Hứa Thận người thời Hán viết. Dù văn bản hiện nay có nhiều thay đổi do các đời sau cải sửa nhưng gốc của nó là cuốn sách ghi lại cách đọc chữ vuông bằng tiếng Việt.
Ta thử xét đến chữ Bàn trong sách này:
番: 獸足謂之番。从釆;田,象其掌。附袁切
Phiên: Thú túc vị chi phiên. Tùng thể; điền, tượng kỳ chưởng. Phù viên thiết. (Phiên: Chân thú gọi là phiên, viết theo thể; theo điền, như là chưởng.)
Phần trên được dịch theo quan niệm của đa số hiện nay. “Phù viên thiết” cũng là do đời sau thêm vào mà phiên âm như vậy, chứ thật ra thì đoạn văn trên phải dịch là “Bàn: thú túc vị chi bàn, tùng thể; điền, tượng kỳ chưởng.” Tiền thân của chữ Phiên 番 ở thời Hán, vào lúc ông Hứa Thận còn sống thì đọc là Bàn. Bàn: chân thú gọi là bàn (bàn chân), viết theo bẻ 釆 (thể) và đàn 田 (điền), tựa cái bàn (tay, chân)... (Đỗ Ngọc Thành – Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm. Nhannamphi.com)
Vì vậy, nếu truy tới cùng thì mọi chữ vuông chỉ khi đọc bằng tiếng Việt và giải nghĩa bằng nghĩa tiếng Việt mới chính xác. Thí dụ câu Lang bạt kỳ hồ/tái trí kỳ vĩ trong kinh Thi, được Chu Hy giảng: “Hồ là cái yếm ở cổ con sói khi già thì thòng xuống nên con vật bước tới dẵm phải yếm, bước lui đạp phải đuôi. Câu thơ chỉ tình trạng tiến thoái lưỡng nan.” Rõ ràng là vô lý vì không bao giờ con sói có yếm ở cổ! Ngay những loài có yếm như bò hay lạc đà thì cũng không bào giờ yếm chùng đến nỗi con vật dẫm phải! Thực ra, “hồ” vốn là hố, hangtrong tiếng Việt của người làm ra kinh Thi với ý nghĩa: “sói trốn vào hang/ vẫn lòi cái đuôi”, mô tả tình trạng giấu đầu hở đuôi của con sói để lên án đám quý tộc che giấu cuộc sống ăn trên ngồi trốc của mình. “Hố” của tiếng Việt được đưa vào kinh ở thời Chu nhưng sau đó, người thời Tống không còn hiểu tiếng Việt nữa nên chuyển thành “Hồ” và biến nghĩa thành cái yếm của con sói! (4)
3. Khi sang Việt Nam, người Hán nói tiếng gì?
Với nhiều người thì đó là câu hỏi lẩm cẩm, bởi lẽ cố nhiên, người Hán phải nói tiếng Hán. Nhưng tiếng Hán là tiếng gì? Chỉ mới đây, tôi mới khám phá ra: khi sang việt Nam người Hán nói tiếng Việt! Tổ tiên người Hán vốn là người Việt. Do thời gian đi xa, không gian cũng xa và hoàn cảnh lịch sử bắt phải “nói ngược” nhưng “hương âm vô cải” nên những thế kỷ đầu Công nguyên, người Hán vẫn nói tiếng Việt! Không có gì lạ, khi một người Bana hôm nay sang Indonesia, liền nghe và nói được tiếng địa phương. Người Trung Quốc đã thực hành một cuộc chơi: mời cặp nam nữ người Thái Lan sang giao lưu với thanh niên Choang. Người Thái cứ nói tiếng Thái, người Choang cứ nói tiếng Choang mà hiểu được nhau! Như vậy, ít nhất trong 400 năm đưới thời nhà Hán, quan lính Hán sang Việt Nam nói tiếng Việt. Chữ Hán được đọc bằng tiếng Việt. Một chứng cứ cho chuyện này là bức thư của Hứa Tịnh, một người phương Bắc di cư xuống làm quan với Lưu Bị, viết trả lời Tào Tháo: “đã đi từ Hội Kế (Cối Kê - Hàn Châu ngày nay), qua Giao Châu, Đông Âu, Mân Việt, cả vạn dặm mà không thấy đất Hán.”
(从会稽“南至交州,经历东瓯、闽越之国,行经万里,不见汉地” – Từ Hội Kế nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa.) Như vậy, tuy 400 năm thuộc nhà Hán nhưng vùng Giang Nam vẫn hoàn toàn là Việt: người Việt, phong tục Việt và tiếng nói Việt” (2)
Chỉ sau thời Hán, do loạn Ngũ Hồ, nhiều tộc du mục vào chiếm đất Trung Hoa, đưa tiếng nói của họ vào, khiến cho tiếng nói ở Trung Nguyên thay đổi. Thời này, việc học chữ Hán và giao tiếp với người phương Bắc trở nên khó khăn hơn.
4. Sự ra đời của Đường âm
Sau thời gian tao loạn dài, nhà Đường xác lập địa vị thống trị. Lúc này tiếng nói Trung Nguyên cũng rối loạn, mỗi nơi nói một khác khiến cho người trong nước không hiểu được nhau. Chính quyền phải dùng tiếng nói của kinh đô Tràng An làm ngôn ngữ giao tiếp trong triều đình. Buộc quan lại các tỉnh nhập kinh phải nói tiếng kinh đô. Dân gian gọi là quan thoại. Sau này được gọi là Đường âm. Kinh đô Tràng An là đất từ xa xưa của người Lạc Việt. Là trung tâm văn hóa của quốc gia văn minh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, Tràng An tập trung đông đảo trí thức nên tiếng nói chịu ảnh hưởng nhiều của chữ viết: bớt phần nôm, nặng phần chữ. Đường âm truyền sang Việt Nam, được cha ông ta gọi là chữ Nho hay chữ của thánh hiền. Sau 1954 được gọi là từ Hán Việt. Theo tôi cách gọi này không đúng bởi lẽ xuất phát từ suy nghĩ sai lầm: “chữ của Hán còn cách đọc của Việt nên gọi là từ Hán Việt.” Kỳ thựcĐường âm là tiếng nói của người Việt sống ở Tràng An, do hoàn cảnh lịch sử riêng mà được hình thành vào thời nhà Đường. Ông Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “Hán Việt là tiếng nói của kinh đô Tràng An thời nhà Đường được đem sang dạy ở Việt Nam.” Phần được đưa sang Việt Nam chỉ là những tiếng nói được ký tự. Trong thực tế, tiếng nói thì nhiều nhưng chữ chế ra lại ít. Mặc dù dùng giải pháp từ đồng âm nhưng cũng còn rất nhiều tiếng không được ký tự, chỉ được truyền khẩu trong dân gian. Tại Trung Nguyên, những tiếng không được ký âm dần dần bị mai một. Tình hình cũng giống ở miền Giang Nam hiện nay, người ta thống kê được khoảng 20% tiếng nói không được ghi thành chữ mà chỉ được truyền miệng trong dân gian. Với thời gian, những tiếng nói dân dã này rồi sẽ biến mất! Trong khi đó, ở Việt Nam cha ông chúng ta khắc phục hạn chế của chữ Nho bằng cách làm ra chữ Nôm, bổ sung vào vốn văn tự khối lượng lớn chữ viết, để ký tự được tất cả tiếng nói của cộng đồng. Nhờ vậy mà sáng tạo được những áng văn chương tuyệt tác. Sau này, chữ quốc ngữ ký âm được cả chữ Nho, cả tiếng nói dân dã. Nhờ đó tiếng nói của người Việt Nam càng phong phú, giầu có hơn và càng xứng đáng là mẹ các ngữ (mère des langues) như H. Frey tuyên bố. (3)
Như vậy: toàn bộ hệ thống cách đọc Đường âm được mang từ Tràng An sang mà hoàn toàn không phải sản phẩm sáng tạo của người Việt Nam! Lẽ đương nhiên, việc người Việt không bị đồng hóa không liên quan gì tới từ Hán Việt!
III. Vì sao người Việt không bị đồng hóa?
Về chuyện này có thể viết cả một cuốn sách nhưng theo tôi, có ba lý do cốt lõi:
- Về mặt di truyền học:
là tổ tiên của người Trung Hoa nên người Việt có chỉ số đa dạng di truyền cao. Độ đa dạng di truyền chỉ có thể chuyển từ cao xuống thấp. Khi sinh ra con, cha mẹ san sẻ một phần “độ đậm đặc nòi giống” của mình cho đứa trẻ nên dòng huyết thống càng xa càng nhạt. Trong khi đó, con cháu không bao giờ lội ngược dòng trở lại “độ đậm đặc nòi giống” như cha ông. Có thể ví, dân tộc Việt Nam là một biển nước mặn mà mỗi người Hán xuống Việt Nam là một thùng nước lợ. Những thùng nước lợ hòa vào biển mặn không những không thể làm biển nhạt đi mà, cái thùng nước lợ bị mặn theo!
- Về tiếng nói:
Việt Nam là nơi phát tích của dân cư Trung Hoa nên tiếng Việt là ngôn ngữ gốc với những đặc điểm: vốn từ phong phú, đa thanh, giọng nói sáng rõ và nhất là được nói theo trật tự chính trước phụ sau. Người từ Trung Hoa trở về Việt Nam – nói chính xác là trở về đất tổ - mang về ngôn ngữ bị pha trộn, biến dạng và nhất là cách nói ngược. Cố nhiên, người Việt không thích thú thứ tiếng nói như vậy để mà học!
- Về hoàn cảnh lịch sử:
Lịch sử đã tạo ra ở Việt Nam cộng đồng làng xã vô cùng vững chắc, hữu hiệu chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài, ngay cả người khác xã. Người Hán hầu như không có cơ hội nhập tịch làng Việt Nam. Họ chỉ có thể tới sống nơi kẻ chợ, hành nghề làm thuê hay buôn bán và được gọi bằng danh xưng: thằng Ngô, chú Khách. Mặt khác, dù âm mưu đồng hóa là kiên trì và thâm độc nhưng do sức phản kháng kiên cường của người Việt, nên nhiều viên quan buộc phải ngó lơ những yêu cầu khắt khe của triều đình, cốt sao thu được thuế và giữ được ổn định. Một đặc điểm khác là, do bên trong Trung Quốc luôn xảy ra bạo loạn, đảo chính nên sự thống trị nhiều khi bị buông lỏng. Những lúc như vậy, tinh thần Việt được phục hưng. Một điều nữa phải nói là may mắn: suốt trong nhiều thế kỷ người Hán nói tiếng Việt rồi để lại Đường âm, một thành tựu tuyệt vời về ngữ âm. Nhưng ngay sau đó, nước ta giành lại quyền tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ. Ta dùng Đường âm như một quốc bảo làm quốc ngữ mãi tới sau này. Trong khi đó, Trung Quốc luôn loạn lạc, các tộc người phương Bắc xâm chiếm, thống trị khiến tiếng nói biến đổi theo. Đường âm bị mai một. Do là nước độc lập, chúng ta không buộc phải học những thứ quan thoại của phương Bắc. Vì vậy giữ được tiếng nói của mình.
(Trung Thu 2015)
Tài liệu tham khảo:
1. Hà Văn Thùy. Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học, 2006
2. Hà Văn Thùy. Viết lại lịch sử Trung Hoa.
3. Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt
4. Hà Văn Thùy. Tìm bản gốc câu kinh Thi Lang bạt kỳ hồ
Nguồn: Chungta.com