MỘT TẤM GƯƠNG CẦN HỌC HỎI

Giản Tư Trung

Giản Tư Trung sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, học cấp III tại Nha Trang, học ĐH Kinh tế và ĐH Luật tại TP.Hồ Chí Minh.

Ông Trung khởi sự kinh doanh bằng thành lập Cơ sở Nhựa Chợ Lớn, từng làm việc cho 3 trong số 4 tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới là KPMG, PwC và DTT.
Rời các tập đoàn lớn, ông Trung làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hà Nội, rồi đứng đầu một công ty kiểm toán. Sau nhiều năm học tập và tích lũy kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, ông đã cùng một số cộng sự khai lập ra Tổ hợp Giáo dục PACE và ông Trung giữ nhiệm vụ Chủ tịch, Giám đốc tổ hợp. PACE hiện có 5 đơn vị thành viên, trong đó thành viên đầu tiên là Trường Doanh Nhân & Giám Đốc PACE với “sứ mạng” là “Góp phần nâng cao doanh trí Việt Nam bằng tri thức thế giới và giá trị thực học”.

PACE đã được UBND TP.HCM chọn là một trong 2 đơn vị đảm nhiệm chương trình đào tạo 1.000 doanh nhân cho TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 2 vạn người tham gia vào các chương trình đào tạo và tái đào tạo doanh nhân trên địa bàn cả nước.
Đã từng làm cho nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài với mức lương “không đến nỗi nào”, lại không phải lo nghĩ nhiều, nhưng Giản Tư Trung đã gạt bỏ tất cả để ra riêng. “Tôi ra ngoài làm riêng không phải vì chạy theo phong trào muốn làm chủ doanh nghiệp. Đối với tôi làm thuê hay làm chủ cũng không có gì phải phân biệt, tất cả đều chỉ là nghề nghiệp của mình” - anh nói.

Trong quan điểm của Giản Tư Trung: “Sống là một cuộc tìm kiếm, tìm kiếm những giá trị tuyệt vời nhất để bồi đắp trở lại cho cuộc sống và cũng là để trả lời cho câu hỏi lớn “Sống để làm gì?”. Và với PACE, anh đang cố gắng trả lời câu hỏi ấy một cách thuyết phục và tâm huyết nhất.
Tìm thuốc giảm stress cho thị trường “chất xám”
Giản Tư Trung đến với lĩnh vực giáo dục xuất phát từ hai góc độ: cá nhân và xã hội. Điều đó thể hiện cao độ trong việc kết hợp giữa mục đích cá nhân và lợi ích xã hội. “Tức là nếu chỉ thích rồi làm thì chưa đủ, mà cái mình thích đó cũng là cái xã hội đang cần thì mới thật sự bền vững”, anh nói thêm.
Xuất phát từ hai niềm đam mê ngay từ khi tìm đường lập nghiệp đó là làm kinh doanh và nghiên cứu khoa học, trong anh lúc nào cũng canh cánh một niềm trăn trở: “Nếu làm kinh doanh không mà không làm khoa học thì nó sẽ thiếu, nếu chỉ làm khoa học mà thiếu kinh doanh thì lại cảm thấy không trọn vẹn”. Suy nghĩ về thực tế xã hội cũng như lý luận khoa học Giản Tư Trung đã đi đến quyết định “không gì bằng là thành lập một doanh nghiệp giáo dục”. Anh nói: “Đó là những logic dẫn tôi đến với giáo dục và cũng chính là chuỗi logic trong tiến trình hình thành PACE”. 

Nhưng đối với anh – “Nhìn từ góc độ xã hội mới là quan trọng”. Nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trong nhiều năm liền, đã làm tăng nhu cầu nhân sự, nhất là nhân sự cao cấp cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhu cầu đó diễn ra hết sức nóng, đôi khi đẩy người lao động và người sử dụng lao động vào cuộc cạnh tranh kém về độ bền, gây thiệt hại cho cả đôi bên. Các công ty thì liên tục phải thay đổi nhân sự, còn nhân viên thì thấp thỏm đứng núi này trông núi nọ trước những lời mời chào hấp dẫn từ chính đối thủ cạnh tranh của công ty mình đang làm. “Chúng ta phải dùng đến từ “khủng hoảng” để nói về sự thiếu hụt chất xám ở Việt Nam”, anh nhận định.
Xét về mặt cảm tính, bất cứ ai cũng thấy được hiện trạng đó của thị trường nhân lực Việt Nam, nhưng thuyết phục hơn cả vẫn là những số liệu thống kê. Theo một cuộc khảo sát do tổ chức có thẩm quyền tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: trong số 2700 doanh nghiệp đại diện cho các ngành nghề được hỏi, thì có một khó khăn chung nhất mà các doanh nghiệp này gặp phải đó là nhân lực.
Quy luật cung – cầu tất yếu của kinh tế thị trường, chính là điều quan trọng nhất để Giản Tư Trung đi đến quyết định khai sinh ra PACE. Không phải để thực hiện mục đích “đục nước béo cò”, mà xuất phát từ nguyện vọng phải làm sao góp phần giải quyết nhanh nhất và chất lượng nhất bài toán nhân lực mà thị trường đang trông chờ. Giản Tư Trung thổ lộ: “Việc này đòi hỏi chúng tôi phải thật sự hiểu được nổi bức xúc về nguồn nhân lực trong lòng các doanh nghiệp. Bởi vì tôi quan điểm làm kinh doanh không đơn thuần chỉ là để kiếm tiền, mà nó mang một ý nghĩa nào đó xa hơn nhiều, lớn hơn nhiều việc kiếm tiền”.
Có thể nói một cách ví von rằng, những công việc hàng ngày của anh, cũng như những con người ở PACE giống như những dược sĩ cần mẫn ngày đêm bào chế ra những liều thuốc góp phần giảm stress cho thị trường nhân lực Việt Nam. 
Xin đừng hiểu sai hai chữ “kinh doanh”
Rất thực dụng trong việc chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt thời cơ, nhưng cũng rất lý tưởng trong mục đích hành động, Giản Tư Trung không đề cao lợi nhuận mà thị trường có thể mang đến cho PACE, anh chỉ coi nó là hệ qủa từ những gì anh có thể mang đến cho cộng đồng xã hội qua sự nghiệp của PACE.
“Người ta hay nhầm lẫn giữa kinh doanh và kiếm tiền, hai việc này hoàn toàn khác nhau. Nhưng mỗi người kiếm tiền một cách khác nhau, doanh nhân kiếm tiền bằng cách đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội, giải quyết vấn đề của xã hội, và tiền chỉ là hệ qủa chứ không phải mục đích. Mục đích của doanh nhân cũng không phải là kiếm tiền, mà là đáp ứng nhu cầu nào đó, giải quyết vấn đề nào đó cho xã hội, theo đó tiền sẽ tự nhiên đến với họ” – Giản Tư Trung tâm sự.

Kinh doanh đối với anh, không đơn giản là việc lập ra một doanh nghiệp, mà thông qua doanh nghiệp đó phải góp phần giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu bức thiết gì của xã hội. Doanh nhân là người “làm nghề kinh doanh” chứ không phải nghề kiếm tiền. Và chính vì thế PACE muốn thông qua chương trình đào tạo của mình gởi đến các doanh nhân Việt Nam một thông điệp “khi nói về bản chất của kinh doanh, đừng nghĩ rằng kinh doanh là đi kiếm tiền”. Một doanh nhân thực sự chân chính là một doanh nhân mà khi họ kiếm được tiền thì cả thế giới này sẵn sàng ngả nón tự hào về họ, vì họ đáng được kính trọng. Và do lẽ đó, tiền mãi mãi vẫn là hệ quả của việc kinh doanh”. 
“Cái gì thực mới đẹp”
Mục đích lớn nhất của PACE là góp phần giải quyết bức xúc của xã hội của nền kinh tế về sự thiếu hụt chất xám, cho nên tất cả sức lực và tâm trí của PACE đều tập trung hoc mục đích đó. Nhưng một thực tế cũng khiến PACE phải luôn trăn trở trong suốt qúa trình hình thành và phát triển của mình đó là làm thế nào để đưa tinh thần đó vào các chương trình đào tạo của PACE? Phải làm sao để người học có được gì và dùng được gì sau mỗi khóa học (giá trị thực học)”.
Nhiều người bất ngờ khi biết rằng, trong môi trường xã hội mà người ta đang đua nhau chạy theo bằng cấp bằng mọi giá, thì PACE lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại - một thông điệp mà hầu như các doanh nhân đều biết “Tôn thờ giá trị thực học”. Điều này cũng khẳng định một cách làm, một hướng đi, một tư duy mới mà một nền giáo dục tiến bộ cần phải đạt được. Nó thoát ra khỏi khuôn khổ của những lối suy nghĩ sáo mòn trong cách học của người Việt nhiều năm qua. Ở đây, giá trị những giờ học được đánh giá bằng khả năng áp dụng vào thực tế của người học. Cách học đó nó đi cùng thực tế cuộc sống chứ không phải chay theo cuộc sống như mô hình giáo dục hiện có ở nước ta. Người ta học để hiểu, để biết cách áp dụng, và tăng năng suất lao động, chứ không học để lý luận suông. Anh khẳng định: “Cái gì thực thì nó mới đẹp, trên đời này không có thứ gì đẹp mà không thực?”. 
Pace – bài toán cho nhiều nghiệm số
Lâu nay, để có cơ hội tiếp xúc với những nền giáo dục trên thế giới, nhiều người ở Việt Nam đã chọn con đường du học như là một phương án tối ưu. Tuy nhiên, một vấn đề khiến họ không thể không đắn đo khi đưa ra quyết định du học đó là làm thế nào vượt qua những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tiền bạc và thời gian để có kết qủa học tập tốt nhất? Với cách làm hoàn toàn khác, không giống bất cứ một tổ chức giáo dục nào, PACE đã nhập khẩu và tiến hành Việt Nam hóa các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới.
Về giáo trình, PACE linh động tuyển chọn những kiến thức cấp thiết nhất để đưa vào chương trình giảng dạy. Không dùng nguyên bản tiếng Anh mà được chuyển tải sát sao sang tiếng Việt, thêm vào đó, PACE chủ động mời các giảng viên có kinh nghiệm quốc tế đối với từng chuyên đề liên quan để đứng lớp, thay vì phải thuê giáo viên nước ngoài. Kết quả là chi phí các chương trình đào tạo của PACE giảm xuống rõ rệt từ hơn 300 triệu đồng/người xuống chỉ còn chưa tới 10 triệu đồng/người; đồng thời, còn rút ngắn được thời gian học tập xuống còn 6 tháng đến 1 năm, thay vì phải học 4 –5 năm tại nước ngoài.

Nhờ dùng tiếng Việt để giảng dạy nên khả năng truyền đạt và cảm thụ cũng tốt hơn rất nhiều, đem lại hiệu qủa thiết thực hơn cho người học. Những đặc điểm này tỏ ra hết sức phù hợp với giới doanh nghiệp trong nước. Đây là tầng lớp luôn khát khao cập nhật tri thức mới về kinh doanh của thế giới, nhưng hoặc vì tài chính, hoặc vì ngoại ngữ, hoặc nguyên nhân chủ yếu nhất là thiếu thời gian mà không thể theo học tại nước ngoài được.
Nhờ cách đi đúng hướng như vậy, PACE đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của giới doanh nghiệp trong nước. Tính đến nay, đã có hơn 10 nghìn doanh nghiệp và doanh nhân tham dự các chương trình đào tạo của PACE, và theo dự đoán của Giản Tư Trung “trong tương lai gần sẽ còn cao hơn nữa”. Sự thành công của PACE càng khẳng định cho triết lý kinh doanh của anh. Anh lý giải cho sự thành công của PACE: “Không phải chúng tôi tài giỏi mà trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã đi từ đòi hỏi thực tế của nền kinh tế và tìm cách đáp ứng nó tốt nhất. Mô hình PACE được sinh ra từ thực tế của đời sống xã hội”.
Hướng đi tương lai của PACE không chỉ là cập nhật tri thức cho lớp doanh nhân đã hình thành mà còn muốn làm sao đào tạo nên những doanh nhân tương lai của đất nước, những đối tượng còn ngồi trên ghế nhà trường. Tức là làm sao đưa ra được những chương trình phù hợp, chất lượng quốc tế theo khẩu hiệu mà PACE đã chọn - “Tinh thần Việt Nam - Tinh hoa thế giới”, với chi phí phù hợp cho tầng lớp sinh viên. “Mục đích tối thượng của PACE là làm sao đưa những chương trình đó đến với số đông người Việt Nam nhất, chứ không phải là hướng đến số ít”, Giản Tư Trung nhấn mạnh.

Tổ hợp giáo dục PACE đã từng tổ chức thành công sự kiện đưa giáo sư: Phillip Kohler và M.Poster đến VN.
Giản Tư Trung và giấc mơ ngông .... "xuất khẩu giám đốc"

Con người anh có một ma lực kỳ lạ. Một sức nóng dễ dàng lan toả bầu nhiệt huyết sôi sục sang những người xung quanh. Khả năng tập trung cao độ mọi suy nghĩ của mình về một hướng nhằm biến những điều không thể thành có thể đã đưa anh lên tầm “hiện tượng” xã hội. Anh thường làm những công việc chẳng giống ai. Và cho đến thời điểm này, giấc mơ ngông cuồng nhất của con người kỳ lạ này chính là: một ngày không xa, sẽ xuất khẩu giám đốc Việt Nam ra thế giới!

Giản Tư Trung – Anh là ai?

Chủ tịch hội đồng quản trị Cty PACE
Toà nhà 341 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh
Tel: +84(0)8 8370208;
Fax: +84(0)8 4041173
Email:corporatetraining@pacevietnam.com

Là ông giám đốc bước chân ra ngõ lên ô tô? Là anh nhân viên quèn với đồng lương ba cọc ba đồng? Là một thợ sơn lao động thủ công? một sinh viên đại học xuất sắc? hay một giảng viên đứng lớp với thù lao cao nhất Việt Nam?... Mọi chức danh đều đúng với Giản Tư Trung bởi anh đã từng kinh qua tất cả các vị trí. Từ thương trường, quan trường đến khoa trường; từ làm chủ đến làm công; từ làm cho Nhà nước, đến làm cho tư nhân, rồi ra nước ngoài học việc... Không có việc gì mà anh chưa từng thử qua, để rồi đến tận bây giờ, khi đã bước qua tuổi băm, trở thành hiệu trưởng một trường đào tạo doanh nhân uy tín, anh vẫn chưa chịu dừng lại...
Giản Tư Trung sinh ra ở một huyện nghèo khó của tỉnh Nghệ An. Mảnh đất học nổi tiếng khắp 3 miền này trở thành một vườn ươm thuận lợi cho Trung phát triển. Thời phổ thông, Trung từng nổi đình nổi đám với Giải Nhất học sinh giỏi lý toàn tỉnh. Nhưng phải đến tận khi bước chân vào đại học, ở vị trí Phó Bí thư đoàn trường, Trung mới phát huy được năng lực của mình. Tham công tiếc việc, Trung ôm đồm cả việc học của mình, việc chung của đoàn thể nhưng vẫn dành thời gian cho niềm đam mê kinh doanh không thể lý giải.

Cái giá của kẻ cầm đèn chạy trước…

Chưa có vốn, Trung lao vào làm búa xua công việc. Từ anh thợ sơn, thợ chụp hình đến anh đi buôn phim cuộn…Đến cuối năm thứ 3, tích cóp được một số vốn kha khá, Trung quyết định ra làm ăn lớn bằng việc thành lập Cơ sở sản xuất nhựa Chợ Lớn.
Không chỗ dựa, không người đỡ đầu, thiếu kinh nghiệm lại hiếu thắng, cơ sở sản xuất của Trung đứng trên bờ vực phá sản. Anh chấp nhận thất bại đầu đời một cách cay đắng. Nhưng thất bại cũng cho Trung một bài học vỡ lòng trên thương trường và anh hiểu: thế nào là kinh doanh!
Cũng may, cơ sở sản xuất nhựa của Trung rồi cũng được vực dậy. Trung thoát khỏi cái bóng ám ảnh mỗi khi thoáng nghe thấy từ “nhựa”. Anh giao lại cơ sở cho một người đồng sự và bắt đầu con đường tầm sư học đạo.
Bỏ vị trí giám đốc, Trung xách cặp làm anh nhân viên tại những tập đoàn hàng đầu thế giới để tìm hiểu sức mạnh thực sự đằng sau những công ty này là gì. Đặt mục tiêu trong 5 năm, làm việc ở 5 công ty với 5 vị trí công việc khác nhau nhưng đến công ty thứ 4, cảm thấy đã làm tạm đủ, Trung bắt tay vào thực hiện tham vọng lớn của mình.

Giấc mơ ngông của con kiến lửa

Từng thất bại, vấp ngã cay đắng rồi giành lại thành công, Trung chưa từng cạn niềm đam mê được là người tiên phong phát quang bụi rậm, “rắn rết”, mở đường đi mới. Quan niệm “nghĩ như voi, làm như kiến” đã khiến Trung vừa có được tầm nhìn xa trông rộng về mọi vấn đề, vừa không bao giờ bị bước hụt chân. Kiên trì đi từng bước chậm rãi, tha từng chút “mồi” về “tổ”, con kiến lửa Giản Tư Trung đã dần dần hiện thực hoá giấc mơ ngông xuất khẩu giám đốc bằng sự ra đời của Trường đào tạo doanh nhân PACE.
Chú trọng giá trị đào tạo thực, phủ nhận sự tồn tại của bằng cấp học vị, chương trình đào tạo của PACE tập trung nâng cấp chất xám cho các giám đốc, các chủ doanh nghiệp. Không chỉ “vá” những mảng trống trong kiến thức của họ, PACE còn xây dựng những viên gạch móng vững chắc trong kiến thức kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giáo trình của PACE là minh chứng rõ nhất cho xu thế hội nhập nhưng cũng là bảng vàng thành tích ghi công trạng của Trung và các đồng sự. Tỉ mẩn thuyết phục các trường đào tạo uy tín của nước ngoài cung cấp giáo trình, tỉ mẩn nhặt nhạnh những gì tinh tuý nhất, phù hợp nhất với văn hoá Việt rồi lại tỉ mẩn húc đổ 3 bức tường cực lớn ngăn chất xám đổ vào nước Việt.
Một: Việt hoá giáo trình.
Hai: Rút ngắn thời gian đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng (Từ 4,5 năm xuống còn 6 tháng).
Ba: Giảm chi phí đào tạo cho khoá học (Từ 100 triệu xuống không đến 1/10).
Cùng các đồng sự của mình, Giản Tư Trung đã thiết kế nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, made in PACE, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Mỗi sản phẩm của PACE là một trí tuệ riêng, một tư tưởng, một cá tính không thể nhầm lẫn. Đây cũng là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất cần và rất thiếu.
Chỉ 4,5 năm sau ngày thành lập, PACE đã tạo được uy tín nhất định và thu hút được hàng ngàn học viên cả trong và ngoài nước tham gia. “Đạo” của PACE đã phát huy được hiệu quả nhất định, ít nhất là đến lúc này.

Những triết lý sống của Giản Tư Trung

*Con người không phải được đánh giá bằng danh vị mà bằng chính những gì mà người đó đã làm được trong cuộc đời
*Đối với tôi, chơi chính là làm những gì mình thích và làm là chơi những gì mà mình không thích. Được làm những gì mình thích là sự hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều đó và cảm thấy mình sinh ra là để rong chơi.
*Thước đo sự trưởng thành của một con người là trình độ tư duy nhận thức thức và sự trải nghiệm chứ không phải tuổi tác.
*Tiền là hệ quả chứ không phải mục đích của kinh doanh.
*Đừng cho người con cá, cũng đừng cho họ cần câu. Hãy cho họ động lực muốn được câu cá.

Kế hoạch của PACE trong 15 năm đầu

Giai đoạn 1: Thành lập một trườngđào tạo doanh nghiệp với mong muốn phát triển nền kinh tế đất nước thông qua những con người lãnh đạo
Giai đoạn 2: Thành lập trường đào tạo cho trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trừ hiểm hoạ xã hội về sau
Giai đoạn 3: Thành lập một trườngđại học sư phạm tiêu chuẩn nhằm tạo ra một thế hệ giáo viên có trình độ ngang tầm quốc tế, từ đó tạo ra những thế hệ công dân có trình độ thế giới.


Share this article :