Nghĩa vụ là gì?

Nghĩa vụ là gì?

Phạm QuỳnhThượng Chi Văn Tập, Bộ quốc gia giáo dục - 1962
03:03' PM - Thứ ba, 02/06/2009
Tiên nho có câu: “Muốn nhập môn đạo Khổng Mạnh, trước hết phải biết cách phân biệt điều nghĩa điều lợi.”
Tiên nho gọi điều nghĩa, tức ta gọi là nghĩa vụ; tiên nho gọi điều lợi tức làquyền lợi. Hai cái quan niệm về nghĩa vụ quyền lợi thực là cái chốt của luân lý vậy. Nghĩa với lợi quan hệ thế nào, đó là một vấn đề rất trọng, người ta dù ở đời nào nước nào, cũng phải xét đến. Vì giải vấn đề ấy, tức là giải nghĩa đời người vậy.
Đại để các xã hội ngày xưa lấy nghĩa trọng hơn lợi. Không những thế, mà trong hai cái quan niệm về nghĩa vụ cùng quyền lợi, chỉ biết nghĩa vụ mà không hề nghĩ đến quyền lợi. Lại không những thế, mà trong một xã hội những người bởi địa vị của mình được có quyền lợi đối với người khác, cũng tự coi quyền lợi ấy là nghĩa vụ. Vua đối với tôi, cha đối với con, chồng đối với vợ, đều là có quyền lợi riêng, mà thực là có nghĩa vụ riêng. Vua có quyền trị dân, nhưng cái quyền ấy tức là phải lo cho dân được an lạc; cha có quyền dạy con, nhưng cái quyền ấy tức là phải gây cho con được nên người; chồng có quyền khuyên vợ, nhưng cái quyền ấy tức là phải mưu cho gia đình được thuận hòa vui vẻ. Nói rút lại thì ngày xưa quan niệm quyền lợi thuộc về “tiêu cực”, mà quan niệm nghĩa vụ thì thuộc về “tích cực”. Ngày nay tựa hồ như phản trái lại: “tiêu cực” chuyển ra “tích cực” mà “tích cực” chuyển ra “tiêu cựu”, quyền lợi xem ra trọng hơn nghĩa vụ.
Sự chuyển dịch ấy khởi ra tự Âu châu. Các nước Âu tây xướng ra nhân quyền, lại xướng ra dân quyền, làm kinh thiên động địa vì hai chữ “quyền lợi”. Vua có quyền lợi đối với dân, nhưng dân cũng có quyền lợi đối với vua, cha có quyền lợi đối với con, nhưng con cũng có quyền lợi đối với cha, chồng có quyền lợi đối với vợ, nhưng vợ cũng có quyền lợi đối với chồng. Bấy nhiêu quyền lợi tranh giành xung đột nhau, khởi lên như giao dựng, thì phán địch làm sao cho được? Ai cũng có quyền lợi cả, mà duy có cái quyền lợi tối yếu là cái quyền quyết định mọi sự cạnh tranh thì không thuộc về ai! Bởi vậy mà trong lịch sử Âu châu đã từng nổi lên lắm phen biến loạn cải cách, gây nên phong trào tự do bình đẳng ngày nay. Nhưng người Âu châu giàu tính tự trị, tập thói tự do đã lâu đời, nên đã khởi ra mới có thể đương được cái phong trào ấy. Thế mà lắm khi nó mạnh quá cũng còn sinh ra nhiều sự nguy hiểm cho xã hội. Như trong nước ai cũng đòi quyền lợi, thậm chí người đàn bà cũng bỏ chốn khuê phòng mà ra nơi công chúng yêu cầu những quyền bầu cử, quyền chính trị, thì xã hội còn có trật tự nào nữa, gia đình còn thể vững bền sao được?
Các nhà trí thức bên Âu châu vẫn biết cái nguy đó, nên nhiều người đã tìm cách để duy trì cho xã hội. Các nhà ấy nghĩ rằng tự do mà đem đến cực điểm thì không phải là một sự hay nữa mà thành một cái vạ, quyền lợi mà không có hạn chế thì chỉ đủ gây nên rối loạn. Vậy muốn chữa lại cái tệ ấy, không gì bằng bồi dưỡng lấy “lòng nghĩa vụ” trong quốc dân, khiến cho ai nấy đều hiểu rằng người ta tuy có quyền lợi, nhưng trọng nhất là nghĩa vụ của mình, muốn hưởng quyền lợi kia, trước phải làm cho trọn nghĩa vụ này mới được. Một nhà làm sách có tiếng ở nước Pháp bàn về nghĩa vụ đã nói rằng :
“Từ thuở đồng ấu cho đến tuổi trưởng thành, cả công giáo dục phải là chỉ gồm lại một bài dạy nghĩa vụ. Phàm việc mưu toan, phàm sự nghiệp, mục đích gì, cũng phải xét theo một phương diện cao thượng ấy cả, khiến cho hai chữ nghĩa vụ thành một cái đầu bài hằng ngày phải giảng đến, diễn ra đủ các mặt, lấy những gương danh dự xưa nay mà chứng tỏ thêm vào. Phải giải cho rõ rằng nghĩa vụ đối với quyền lợi là đứng cái thế quân bình, không những thế mà lại điều hòa thích hợp với nhau nữa. Phải bày cho tường rằng nghĩa vụ vốn nó trang nghiêm tôn trọng, càng thực hành ra bao nhiêu lại càng cao càng quí lên bấy nhiêu. Phàm người làm cha, làm thầy, làm bạn, không cần phải có văn bằng sư phạm, đều là có tư cách dạy nghĩa vụ cho bọn thiếu niên. Phải khiến cho chúng biết nghĩa vụ mãnh liệt thế nào, phong phú thế nào, nó cho người ta cái sức cất nổi quả núi, nó tắm gội cho tâm hồn người ta, rửa sạch mọi sự phiền não, khiến cho trong lòng được vui vẻ bình tĩnh. Phàm việc gì bởi nghĩa vụ mà làm thì làm mới được trọn vẹn, mà những việc ấy thường lại là những việc rất khó khăn. Làm việc nghĩa vụ, dù không được thành công, không được lợi lộc, mà trong sự thất bại cũng có cái thú âm thầm nó đền cho công khó nhọc. Nghĩa vụ không bao giờ khiến cho phải oán phẫn hối hận. Bao giờ cũng có cái vẻ bình tĩnh uy nghiêm, mà không biết cái mùi xót xa cay đắng...” (Henri Lavedan).
Mấy lời đó thực là cực tả cái thế lực, cái oai quyền, cái hiệu nghiệm, cái công đức của hai chữ Nghĩa vụ.
Ấy các nước Âu tây là nơi tư tưởng về quyền lợi thịnh hành như thế, mà còn trọng, còn thờ nghĩa vụ như vậy. Cho hay hai mối nghĩa vụ quyền lợi thực như lời nhà danh số Pháp đã nói, đứng thế quân bình, nếu thiên trọng một bên nào thì trật tự xã hội tất phải điên đảo.
Âu tây còn thế, phương chi là ta.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.
Các tác phẩm chính:
Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007) 
Một tháng ở Nam KỳMười ngày ở Huế
Luận giải về văn học và triết học(Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
Hoa Đường tùy bút
>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh
Nước ta từ khi nho học suy, luận lý cũ thấy đã lãng bỏ nhiều. Mà luân lý cũ, tức là cái luân lý “duy nghĩa” không có một phần nào “duy lợi” vậy. Cả cái lâu đài đạo đức của ông cha ta, đều là xây lên một cái nền chữ Hiếu cả. Hiếu chẳng phải là nghĩa vụ rất tôn, rất nghiêm, rất cao thượng rất thuần túy dư? Nhưng hiện nay lâu đài ấy không được vững vàng như xưa nữa, dường như sắp đến ngày đổ nát. Thử xét khắp các hạng người trong xã hội, đâu đâu cũng chỉ thấy đua nhau mà xô đẩy vào trường cạnh tranh quyền lợi. Người làm quan hầu như chỉ có một mục đích là vơ vét lấy của dân cho thật nhiều, để mưu sự sung sướng cho một mình. Kẻ đi học cũng không chủ ở sự học, chỉ cốt ở đường thi cử tiến thân, học để làm việc nọ cầu chức kia, không phải học cho nên người tài giỏi. Những kẻ được quốc dân suy tôn nhất; là người khéo yêu hãnh cầu cạnh, kiếm được nhiều tiền, chiếm được vị cao, không phải là người phẩm hạnh hay, nhân cách tốt.
Muốn cứu lại cái tình thế nguy hiểm ấy, phải bồi dưỡng lấy lòng nghĩa vụ trong quốc dân; phải in sâu hai chữ “nghĩa vụ” vào trong tâm não mỗi người, khiến cho ai làm công việc gì cũng biết coi việc ấy là một sự thuộc về bổn phận mình phải làm cho trọn.
Một nước còn yếu hèn như nước ta, người dân lại cần phải có lòng nghĩa vụ nhiều hơn các nước khác. Vì thế nước mạnh cũng ví như vốn nước đã giàu, cái nợ của dân đối với nước nhẹ mà của nước đối với dân nặng; nên dân có nhiều quyền lợi mà ít nghĩa vụ. Thế nước yếu cũng ví như vốn nước còn nghèo, cái nợ của dân đối với nước nặng mà của nước đối với dân nhẹ; nên dân có nhiều nghĩa vụ mà ít quyền lợi. Âu cũng là một lẽ thừa trừ tự nhiên vậy. Dân ta thực là thuộc vào cái cảnh ngộ thế nước yếu mà vốn nước nghèo; nên cái nợ của dân đối với nước có phần nặng, phải trả cho xong mới mong có ngày được hưởng quyền lợi lớn.
Làm thế nào cho hết nghĩa vụ đó? Phải mỗi người tùy tài tùy sức mình, làm cho trọn cái bổn phận của mình, nghĩ đến lợi chung cho nước hơn là lợi riêng cho mình, đặt cho công việc mình một cái mục đích cao mà gắng sức cho đạt tới mục đích. Cái vốn chung của một nước chính là gồm những công phu riêng của mỗi người vậy.
Nay xét riêng trong cõi học mà thử hỏi nghĩa vụ của kẻ trí thức trong nước ta là thế nào? Nghĩa vụ ấy vừa to vừa rộng, vì bọn ta được lạm cái danh dự làm người đi trước, phải đưa đường chỉ nẻo cho quốc dân trong cuộc văn minh tiến bộ. Danh dự ấy có lớn, mà cái trách nhiệm tương đương nặng biết dường nào!
Cổ nhân có câu: Độc thư cứu quốc; câu ấy phải là cái khẩu hiệu của bọn ta. Vì ta học để làm gì? Nếu mục đích sự học chỉ là để sung sướng lấy một thân ta, thì mục đích ấy chẳng là thấp mà sự học ấy chẳng là hẹp lắm dư? Ta phải biết nghĩa vụ, biết danh dự của ta. Nghĩa vụ ấy, danh dự ấy, là học để giúp cho nước ta khỏi yếu hèn mà được cường thịnh, dân ta khỏi ngu tối mà được sáng suốt. Có lẽ có kẻ cho lời nói ấy là vu khoát, quá cao mà không thiết với sự thực. Người nào nghĩ như thế là lầm to. Phàm làm việc gì cũng phải có một mục đích; mục đích ấy là cái nêu, cái mốc cho công phu mình, là nơi công phu mình phải đạt tới mới được hoàn toàn. Mục đích ấy tất phải xa, phải cao hơn công việc làm, mình càng tiến lên thì mục đích ấy lại càng phải cao, phải xa, hơn mãi; vì cuộc sinh hoạt là một sự tiến bộ vô hồi vô hạn, hễ không tiến là thoái, lẽ tự nhiên như thế. Trong các công việc của người đời, còn việc gì cao hơn sự học nữa! Lấy một công việc tối cao như thế mà chỉ dùng để làm cái thang tiến đạt cho mình, thì chẳng là mất giá trị của sự học lắm dư?

Ai đã đem thân vào cõi học, phải có nghĩa vụ với nhà nước. Nhất là trong buổi sự học chửa thành nền nếp như ngày nay, nghĩa vụ ấy lại càng quan trọng lắm nữa. Chúng ta nay lênh đênh như chiếc bách giữa dòng, sóng này xô đi, sóng kia đẩy lại, ta phải ra tay chèo mà đưa thuyền ta vào nơi cửa bể kín đáo.
Cõi học mênh mông, nước nhà lắm việc. Trách nhiệm của học giả nước Nam nặng nề biết dường vào! Anh em ta theo đuổi về đường học vấn, phải gắng gỏi cho đi tới nơi; cốt nhất là tiệt cái mê mông những sự danh lợi hão huyền, mà coi sự học là một nghĩa vụ của mình, làm trọn được nghĩa vụ ấy tức là thêm được một phần vào cái vốn chung của nước, trả được một phần tròn cái nợ riêng của mình.
Chắc là kết quả sự học sẽ có ngày khiến cho mình được địa vị, quyền lợi xứng đáng với tài học mình. Nhưng không nên để cái mục đích sự học ở đấy, phải đặt nó cao hơn mới được. Đến được đấy, cũng chửa nên tự lấy làm mãn nguyện, mà tưởng rằng công học đã thập phần hoàn toàn rồi. Sự học không bao giờ là hoàn toàn được. Cái nợ khác có khi trả hết; nợ học là nợ chung thân vậy.
Huống dân ta về đường học thức mới còn thiếu thốn nhiều. Phi kiệt lực mà theo đuổi, mong sao cho bằng người?
Ấy nghĩa vụ của học giả nước Nam như vậy. Có làm trọn nghĩa vụ ấy mới mong hưởng được quyền lợi về sau. Người ta thường nói : không quyền lợi nào là không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào là không có quyền lợi. Nhưng chắc hơn nhất là trước phải biết nghĩa vụ mình ở đâu mà làm tròn nghĩa vụ đã: nghĩa vụ đã trọn, quyền lợi tất đến, không sai. Có lẽ phàm việc gì cũng nên một phương pháp đó, không chỉ một việc học mà thôi.
(1917)
Share this article :