Niềm Vui Thật Sự

Phần lớn, niềm vui của tất cả mọi người chúng ta đều bắt nguồn từ những yếu tố, tác động từ bên ngoài. Chẳng hạn như bạn vui khi được ăn ngon, mặc đẹp, khi được người khác khen (dù chẳng biết là có thật lòng hay không), khi cái status trên facebook của bạn có nhiều người like, khi mới có được cái iphone 5, khi được tăng lương, thăng chức, khi đi tham quan du lịch ở đâu đó, được sống bên người mình yêu, được cái này, được cái kia… Có nghĩa là nếu không có được những thứ đó bạn sẽ không thấy vui, hoặc ngược lại là nếu có gì đó tiêu cực xảy ra trong đời bạn thì bạn sẽ thấy buồn, stress, thất vọng….

Nghĩ sâu hơn, những yếu tố ngoại cảnh đó chính là nhân tố quyết định niềm vui của bạn. Khi nó cho phép bạn vui thì bạn mới vui, khi nó không cho phép hay khi vắng bóng nó thì bạn không thấy vui. Phải chăng tình trạng này cũng giống hệt như nô lệ? Chỉ có điều là nó xảy ra quá thường xuyên và quá đại trà đến nỗi không ai nghĩ nó chính là một dạng nô lệ tệ nhất. Tệ nhất là vì không ai nhận ra được nó, tệ nhất là vì ai cũng cho nó là một điều bình thường. Không, chúng ta cần phải khẳng định lại với chính mình rằng nó không hề bình thường; nó bất thường, và chúng ta nên có cách để giải quyết nó. Nó giống như một căn bệnh mà chúng ta cần phải chữa trị. Đây chính là một căn bệnh tâm lý muôn ngàn đời. Tiếc là ít ai nói cho chúng ta biết những điều này.

Cuộc sống này sẽ không bao giờ xảy ra theo đúng 100% như những gì bạn muốn, và nó không nên xảy ra như vậy, vì nếu tất cả mọi thứ đều xảy ra theo ý bạn vậy thì có lẽ những bài viết của tôi và bạn sẽ không có duyên với nhau lắm. Nếu bạn chưa lập gia đình, tôi đoán là từ 60-70% mọi chuyện có thể xảy ra đúng ý bạn muốn, nhưng một khi bạn lập gia đình rồi, có thể tỉ lệ đó sẽ bị đảo ngược lại, có nghĩa là chỉ vào khoảng 40%-30%, chẳng phải là ai cũng nói thế hay sao và tôi nghĩ là chắc bạn cũng có thể mường tượng được. Bạn có thể thấy, nếu để được thoải mái mà phải lệ thuộc vào những tác động bên ngoài thì tỉ lệ và cơ hội của bạn sẽ khá thấp, sẽ không bao giờ được 100%. Đó là lý do tại sao bạn lại gặp những chuyện không vui ngày hôm qua. Mọi chuyện xảy đến với bạn (để ý là không có tính từ vui hay buồn đứng sau), không phải chuyện vui hay chuyện buồn xảy đến với bạn; bạn mới chính là người quyết định xem là chuyện đó là chuyện vui hay không vui.

Nhiều người khi gặp chuyện gì đó họ thấy không vui, có thói quen nhìn lên trời. Họ nhìn lên trời như thể đang muốn than trách với một ông trời nào đó đang sống trên tầng mây thứ 9. Có lẽ họ không biết là họ nhìn sai hướng rồi. Họ quên rằng họ đang sống trên một trái đất hình tròn, luôn xoay quanh một trục, luôn xoáy quanh một mặt trời di động liên tục trong không gian. Nếu một người cứ nhìn lên như vậy thì hướng nhìn của anh ta sẽ luôn thay đổi, họa may lắm thì mới nhắm trúng được nơi cư ngụ của ông trời.

Ai trong các bạn có thể chỉ cho tôi biết đâu là trên, đâu là dưới? không phải khái niệm trên dưới xét về mặt địa lý không gian 3 chiều trên trái đất, mà là khái niệm tuyệt đối căn cứ vào toàn bộ không gian trong vũ trụ; ai có thể chỉ cho tôi biết? Cũng thế, ai có thể biết được đâu là Đông, đâu là Tây, đâu là Nam, đâu là Bắc? Không ai có thể biết được. Con người đặt ra những khái niệm đó chỉ là để dễ dàng diễn đạt ý nghĩ cho nhau hơn mà thôi; nếu so với cái toàn thể thì nó không có ý nghĩa gì hết.

Khái niệm mà chúng ta có thể biết được rõ ràng chính là trong và ngoài. Thật vậy, tôi lặp lại một lần nữa, trong ngoài là điều duy nhất bạn có thể biết được. Nó thật sự là một đặc quyền mà loài người có mà ít ai biết được hay nhận ra.

Cho tới khi bạn giác ngộ thì hai khái niệm trong và ngoài là điều duy nhất mà bạn có thể chắc chắn. Bạn biết được cái nào là mình, cái nào không phải là mình. Cho tới khi bạn nhận ra được bạn chính là tất cả, bạn hiện diện mọi lúc mọi nơi, bạn là một sự diễn đạt của vũ trụ với mong muốn được trải nghiệm sự toàn bộ của chính nó, bạn chính là big bang trong hình hài một con người, không phải là kết quả của nó, mà chính là nó. Kết quả chỉ xảy ra khi một cái gì đó kết thúc, và big bang thì chưa bao giờ kết thúc, nó vẫn luôn luôn tiếp diễn. Nhắc tới big bang thì có lẽ thật thiếu sót nếu như không nhắc tới Alan Watts và Terence McKenna; Alan Watts có một video clip rất hay nói về vấn đề này mà tôi đã từng có cơ hội chuyển dịch (bấm nút CC để xem vietsub); còn McKenna thì tôi xin trích dẫn ngay dưới đây.

“Thật ra nó chẳng khác gì so với cách nói, “Và Chúa phán, hãy có ánh sáng.” Và cái mà các triết gia khoa học này đang nói là, hãy cho chúng tôi một phép lạ miễn phí, và chúng tôi sẽ tiếp tục từ đó – từ căn sinh của thời gian tới vết nứt của tận thế! – Chỉ một phép lạ miễn phí, và rồi sau đó nó sẽ tự tháo gỡ tuân theo những quy luật tự nhiên, và những cái phương trình lạ lùng không ai có thể hiểu này lại được phong thánh trong cái tổ chức này. Vâng, thế thì tôi nói, nếu khoa học có được một phép lạ miễn phí, thì tất cả mọi người cũng được một phép lạ miễn phí.” – Terence McKenna (dịch: NHH)


Những gì tôi vừa mới nói ở phần cuối bài này có thể sẽ hơi cao so với nhiều người, nhưng không vì thế mà tôi không nói ra. Tôi cứ nói ra đấy ai hiểu được thì hiểu, không hiểu được thì thôi, rồi cũng tới một lúc nào đó bạn cũng sẽ hiểu được thôi. Tôi chỉ hy vọng là không có ai hiểu lầm ý mình. Tôi có đưa cho mẹ xem những bài viết của mình. Mẹ tôi là một người phụ nữ thật thà mộc mạc giản dị bình dân chất phác, đọc sơ qua mẹ nói con viết gì cao siêu khó hiểu quá như vậy thì làm sao mà nhiều người đọc được? Tôi chỉ cười rồi nói, ai đọc được thì đọc, không đọc được thì thôi có gì đâu. Mẹ đi nhà thờ vì mẹ thấy nó hợp với mẹ, thì những bài viết của con cũng phù hợp với những người thấy phù hợp với nó, cụ thể là tầng lớp trí thức, những con người đi đầu dẫn dắt một xã hội đi lên.

Nguyen Hoang Huy
                                                                                                                            Sưu Tầm
Share this article :